-----
Trưng Trắc cảm thấy cô độc. Ban ngày chồng bà, A Thi, vẫn phải về
Chu Diên. Đến đêm chàng mới là người của M’linh, của gia tộc Lạc tướng
nhà bà. Trăm công ngàn việc rối như tơ nhện nên Trưng Trắc lại càng mong
sớm có tin vui. Một đứa trẻ sẽ tạo lý do cho bà qua Chu Diên báo tin mừng
và xin Lạc tướng thể tất để thường xuyên cho phép A Thi có mặt ở M’linh
vào ban ngày. Hơn nữa, Trưng Nhị em gái bà dù sao cũng vẫn còn trẻ
người non dạ. Trưng Trắc cần lắm một nam giới mạnh mẽ giúp sức bên
cạnh.
Ngàn xưa đến nay trong phong tục Âu Lạc, trách nhiệm giáo dục và
nuôi dưỡng con trẻ đều do một nhóm các bà mẹ đảm trách. Nó tự nhiên và
nguyên thủy như gà mái ấp trứng chăm con, như hình ảnh hươu cái đa phu
trên Trống Đồng. M’linh là xã hội lấy đại gia tộc bên đàng gái làm hạt
nhân, chưa chia tách thành những gia đình qui mô nhỏ nhưng linh hoạt để
bình đẳng và nâng cao vai trò người đàn ông. Trong môi trường trọng nữ, ý
tưởng của Trưng Trắc đã có thể xem là cách mạng.
Nông nổi và lạc quan vốn có của tuổi trẻ Trưng Nhị luôn cho rằng chỉ
cần vài buổi là có thể quét sạch mấy mống Hán quân tại Long Uyên. Trống
đồng đã được trang bị khắp các buôn làng. Khi tiếng trống cái tại nhà sàn
Lạc tướng gióng lên gấp ruổi, mọi quan Lang sẽ đáp lời. Ngàn mặt trống
gọi sấm sẽ hòa vang thành lời hiệu triệu xuất quân rung chuyển non sông.
Hổ sẽ gầm. Voi sẽ giậm chân. Hàng trăm thuyền độc mộc mang hình hài
Giao long sẽ bủa lưới lửa xuống quân xâm lược đang đồn trú tại Long
Uyên.
Trưng Trắc không sợ Tô Định. Bà nhìn xa hơn Trưng Nhị. Biết bao
nhiêu đồng đã được dành dụm để đúc trống? Nhưng dù có thừa đồng đi
nữa, gươm giáo bằng đồng làm sao sắc bén như đồ sắt? Lao tre, tên trúc
dẫu bịt đồng, đâu thể đâm thủng được giáp dày khiên lớn của đại quân Hán
từ biển sẽ tràn vào tiếp cứu Tô Định. Hình như Trưng Trắc đã lờ mờ hiểu