để vạch rõ dã tâm của hắn. Trưng Trắc tin rằng với những luận cứ rạch ròi
bà sẽ dễ dàng bẻ gãy luận điệu ngang ngược của tên Thái thú xấc xược này.
M’linh không xa Long Uyên, do đó các biện pháp trấn áp của Tô Định
gây ảnh hưởng ngay lập tức đến đời sống và sinh hoạt tại M’linh. Phản ứng
quyết liệt của Trưng Trắc biến bà thành cái gai phải nhổ trong mắt
Tô Định.
Tô Định và các thuộc hạ đã chiêu dụ được không ít cư dân chung
quanh Long Uyên làm tay sai. Những kẻ phản trắc, quên cội nguồn đã quay
lưng lại với nền văn hóa của tiên tổ, a dua theo người Hán để cười vào tục
bắt rể và chế độ mẫu quyền. Họ nghênh ngang ỷ thế vào những ông chủ
mới có thuyền to, giáo sắt dài, ăn mặc bóng bẩy, lụa là xa hoa.
Gần đây, Tô Định lại ra lệnh cấm đánh cá suốt một dải Lãng Bạc và
những vùng nước phụ cận. Nếu có chiếc thuyền độc mộc nào của dân Âu
Lạc dám mạo hiểm buông câu, tung lưới thì lập tức bầy lâu thuyền buồm
cao, cột lớn sẽ lao đến như bầy dã thú hung tợn nhất.
Trưng Trắc hiểu rõ rằng, nếu không tìm cách hóa giải kiểu "tằm ăn lá
dâu" này, Tô Định sẽ dần dần nuốt trọn hồ Lãng Bạc mênh mông, gồm thu
sông Hồng, sông Đà và sông Lô. Rồi sẽ đến ngày bọn hùm sói kia cũng sẽ
sục mõm tới cả rừng cao núi xa của tổ tiên bà. Thử hỏi khi ấy, còn con dân
Âu Lạc nào có thể sống yên ổn được chăng?
Tô Định làm gì, nghĩ gì với toàn bộ Âu Lạc, đều dựa trên nhãn quan
và ứng xử trước Trưng Trắc và M’linh. Vô hình trung, M’linh vượt lên
tuyến đầu kháng Hán. Lạc tướng Trưng Trắc và phó tướng Trưng Nhị đã
được lịch sử giao trọng trách như thế.
Lịch sử không nên xét nét đúng sai ở trường hợp này. Người ta chỉ có
thể tiếc rẻ. M’linh là điểm trũng của văn minh Âu Lạc, nơi chế độ mẫu
quyền còn hiện hữu và vai trò của người đàn ông chưa được đặt đúng chỗ.