- Sư huynh, làm mấy tờ giấy này dày lên để làm gì vậy? Chẳng phải
đều dùng để viết chữ sao, không phải giấy càng mỏng thì càng viết được
nhiều chữ sao? Vương Lăng Chi rất không hiểu tại sao phải ghép giấy, nên
mới hỏi.
Thẩm Khê làm ra vẻ thần bí: - Đệ không hiểu, đây là phương pháp tu
tâm dưỡng tính mà sư phụ dạy cho ta, đợi khi võ công đệ học gần được rồi,
cũng phải nuôi tâm thái bình lặng, biết chưa?
Một đứa nhóc như Vương Lăng Chi chỉ biết chơi, tâm tính gì cậu ta
mặc kệ hết, nhưng cậu lại cảm thấy Thẩm Khê nói rất có lý, nên bắt đầu mơ
ước tới cái “tâm tính” mà bản thân chẳng biết đó là gì.
Cứ thế mười mấy ngày trôi qua, Thẩm Khê đã dùng loại giấy dày đó
vẽ mấy bức tranh, toàn là bắt chước tác phẩm của Vương Mông, một trong
“Nguyên tứ gia”.
Vương Mông, tự Thúc Minh, hiệu Hoàng Hạc Sơn Tiều, người Hồ
Châu. Ông ngoại Triệu Mạnh Phủ, bà ngoại Quản Đạo Thăng, cậu Triệu
Ung, em họ Triệu Ngạn Trưng đều là họa sĩ trứ danh. Sơ niên bổn triều
Vương Mông nhậm chức Tri phủ Thái An, do bị vụ án của Hồ Duy Dung
liên lụy, chết ở trong ngục.
Vương Mông giỏi thơ văn, hay thư pháp, đặc biệt là chuyên vẽ tranh
sơn thủy, và tranh vẽ người, tranh chữ càng được lưu truyền rộng rãi đương
triều, người tôn sùng và lén sưu tầm vô cùng nhiều, lại thêm giao thông bất
tiện, năm tháng hơi lâu nên một số người cũng khó mà phân biệt đúng sai.
Nếu lấy những tác phẩm được lưu truyền mấy trăm hơn ngàn năm để
làm giả, thì một là công cụ trước mắt của Thẩm Khê không thể làm cũ nó
mà không ai phát hiện được, quan trọng nhất là người ta sẽ không tin trọng
bảo như thế lại xuất hiện ở huyện thành Ninh Hóa nho nhỏ này.