mà muốn tranh với kẻ thân cận của vua, tất nhiên không thắng được; họ
mới tới mà muốn tranh với kẻ quen biết từ lâu, tất nhiên là không thắng
được; họ ở địa vị thấp hèn mà muốn tranh với với kẻ cao quí, tất nhiên là
không thắng được; họ chỉ có một miệng mà muốn tranh với cả nước (vì
người ta về hùa với bọn quyền quí còn dân thì ngại sự cải cách của họ) tất
nhiên là không thắng được. Kẻ sĩ giỏi pháp thuật ở vào năm cái thế không
thể thắng được đó (…). Thế đã không thắng được mà lại không sống chung
được (với bọn trọng nhân) tất có kẻ mất người còn, kẻ sĩ giỏi pháp thuật
làm sao khỏi bị nguy? Bọn trọng nhân nếu có thể vu tội lỗi cho ai thì sẽ
dùng phép công mà giết người đó; không thể vu được thì sai người ám sát.
Tóm lại, làm sáng tỏ phép thuật mà trái ý vua chúa, nếu không bị quan giết,
tất cũng chết vì bị ám sát.” (Cô phẫn).
Từ quan niệm “đấu tranh để sống” tới quan niệm đấu tranh giai cấp, con
đường có vẻ như không xa. Vậy mà thời Chiến Quốc, Pháp gia tức giai cấp
tân địa chủ lẻ tẻ đánh vào giai cấp lãnh chúa cũ bằng các hình thư, bằng qui
tắc mọi người bình đẳng trước pháp luật, bằng chính sách tước quyền thế
tập của quí tộc như chính sách của Ngô Khởi, Thương Ưởng (cả Tuân tử
nữa), nhưng không có một nhà nào có một quan niệm giai cấp cả; họ cũng
không lập nên một đoàn thể chính trị nữa, như Khổng gia, Mặc gia.
Trong cuốn Nho giáo, một triết lí chính trị và Đại cương triết học Trung
Quốc chúng tôi đã nhiều lần nhấn vào tính cách chính trị của Nho giáo:
“Nhân đạo, Chính vi đại”
人道、政爲大。 Ngũ kinh của Khổng tử đều có
mục đích chính là dạy về chính trị, mà cuốn Đại học dạy cách sửa mình để
tề gia trị quốc và bình thiên hạ, nghĩa là để thành một người dân tốt, một
ông quan, một ông vua tốt. Vậy có thể nói trường học của Khổng tử là một
trường dậy chính trị mà ông cùng mấy ngàn môn sinh là một đoàn thể
chính trị, một chính đảng [4] .
Xét lời ông nhận định về sở trường của các môn sinh trong chương Tiên
tiến – 2, ta cũng thấy ông có ý đào tạo những người ra làm việc nước. Ông
bảo: “Về đức hạnh có Nhan Uyên, Mẫn Tử Khiêm, Nhiễm Bá Ngưu, Trọng
Cung; về ngôn ngữ (tài ăn nói) có Tể Ngã, Tử Cống; về chính trị có Nhiêm
Hữu, Quí Lộ; về văn học có Tử Du, Tử Hạ”.