ngựa xe” (Ngũ đố) còn các nông dân, chiến sĩ làm cho nước giàu và mạnh
thì sống cực khổ; không thấy ông chủ trương triệt các đặc quyền của giai
cấp quí tộc, một phần có lẽ giai cấp đó là giai cấp của ông.
Tóm lại, cũng như các Pháp gia khác, ông không có ý thức rõ rệt về giai
cấp đấu tranh. Phải chăng đó là một hạn chế của thời đại? Nếu họ có ý thức
đó và lập được một đảng chính trị thì lịch sử và văn minh Trung Hoa có lẽ
đã thay đổi hẳn.
*
Về bản tính thứ nhì, Tuân tử bảo con người “mệt thì muốn nghỉ” (có thể
hiểu là ít chịu gắng sức); Hàn Phi gay gắt hơn, cho là làm biếng, hễ có dư
ăn rồi thì không muốn làm gì nữa. Hàn cũng có lý: loài người thời ăn lông
ở lỗ chắc chắn là như vậy. Một người “esquimau” (thổ dân Bắc Mỹ sống
gần Bắc cực) bảo: “Khi tôi dư thịt ăn rồi thì tôi chẳng nghĩ tới gì cả” Và
theo ông Loskiel thì một bộ lạc láng giềng sẽ chia lương thực cho họ”. Và
những bộ lạc này thấy người siêng năng cứ phải nuôi báo cô kẻ làm biếng,
nên càng ngày trồng trọt càng ít đi (Will Durant – sách đã dẫn).
Tuy nhiên, Hàn cũng nhận rằng có một số ít rất siêng năng có đủ dùng mà
vẫn chịu gắng sức, nhờ họ mà nhân loại mới tiến bộ được; nhưng người trị
dân là trị số đông, nên bắt buộc dân phải gắng sức, Thiên Lục phản ông
viết:
“Con người bẩm sinh hễ có tài sản đủ dùng rồi thì hóa ra lười biếng, không
chịu gắng sức, bề trên không nghiêm trị thì kẻ dưới phóng túng làm bậy.
Tài sản đủ dùng rồi mà vẫn gắng sức làm lụng thì chỉ có Thần Nông thôi;
bề trên không nghiêm trị mà kẻ dưới có đức hạnh thì chỉ có Tăng Sâm và
Sử Ngư. Hạng dân thường không bằng được Thần Nông, Tăng Sâm và Sử
Ngư là điều hiển nhiên rồi (…) Cho nên bậc minh chủ trị nước phải thích
nghi với thời mà sản xuất nhiều tài vật, định thuế má sao cho giàu nghèo
bình quân (công bằng), ban nhiều tước lộc để dùng hết tài năng trong dân,
dùng hình phạt nặng để ngăn cấm gian tà, khiến cho dân hễ gắng sức làm
lụng thì sẽ giàu, hễ có công nghiệp thì sẽ sang, làm bậy thì bị tội, có công
thì được thưởng, chứ không mong được bề trên nhân từ ban cho ân
huệ…..”