HÀN PHI TỬ - Trang 11

Sự khai phá đất đai mới có hiệu quả hơn hết mà cũng cấp thiết nhất vì dân
số tăng lên khá mau (tổng số nhân khẩu thất quốc đời Đông Chu độ hai
chục triệu, tới đầu kỷ nguyên Kitô, tăng lên sáu chục triệu) tới nỗi Mạnh Tử
đã lo thiếu thực phẩm và nguyên liệu, nên phải khuyên các nhà cầm quyền
cấm dân bủa lưới mắt nhỏ quá trong các bưng, hồ, cấm đốn cây phá rừng
sái mùa, (Lương Huệ Vương - bài 3); và một trăm năm sau Hàn Phi đã phải
phàn nàn dân số tăng lên quá mau, (theo cấp số nhân, chẳng hạn một người
có 5 người con trai, mỗi người con trai lại có 5 người con trai nữa, thành
thử chỉ trong hai thế hệ, khoảng bốn năm chục năm, một người thành ra hai
mươi lăm người), thực phẩm mỗi ngày một khó kiếm.
Muốn mở mang đất đai thì nên khuyến khích hoặc bắt buộc thanh niên
thoát ly gia đình đi tìm đất mới, và đừng hạn chế số đất canh tác của mỗi
gia đình. Vì vậy chế độ tỉnh điền không hợp thời nữa, dù Mạnh Tử bênh
vực nó đến mấy thì nó cũng phải bỏ; mà sở dĩ ông hăng hái binh vực nó
chính vì nó đã bị bỏ ở vài nước rồi. Theo Maspéro trong La Chine Antique
(PUF -1965) thì Tấn là nước đầu tiên bỏ chính sách tỉnh điền từ thời Xuân
Thu, trước thời Mạnh Tử một hai trăm năm. Sau Mạnh Tử, Tấn Hiến Công
nghe lời khuyên của Thương Ưởng bỏ chính sách đó từ năm -350, cho dân
được tự do khai hoang canh tác. Bỏ chính sách tỉnh điền thì đồng thời cũng
bỏ luôn phép đánh thuế thời đó gọi là trợ (giúp): tám gia đình làm giúp một
khoảng ruộng công ở giữa cho chủ điền (tức là cho chính phủ, cho quý tộc),
mà thay bằng thứ thuế thường bằng một phần mười huê lợi,huê lợi có khi
tính từng năm một, có khi lấy số trung bình của nhiều năm. Lối sau này bất
lợi cho nông dân: năm được mùa, lúa thóc dư nhiều, chính phủ có thể thu
nhiều mà lại thu ít, dân tiêu pha hết không chịu để dành; tới năm mất mùa,
huê lợi chỉ đủ trả phí tổn canh tác thì chính phủ lại bắt nộp đủ số, dân đói
phải vay nặng lãi của chủ điền, của con buôn, có kẻ trả nợ suốt đời không
hết, như ở Ấn Độ gần đây. Gần thời Chiến Quốc, các ông vua chư hầu cần
tiền mua khí giới, nuôi binh lính, đánh thuế rất nặng, có nơi bằng 50% huê
lợi của dân, dân tình cực điêu đứng. Tuy nhiên chính sách đóng thuế vào
huê lợi cũng có lợi cho nông dân về mặt khác: họ tương đối được tự do,
độc lập hơn đối với chủ điền, không bị "cột" vào công điền nữa.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.