thác được những đất mới như Sở, Tần. Số chư hầu trước kia còn ngàn rưởi,
tới thời Đông Chu (Xuân Thu) chỉ còn lại trên một trăm, qua thời Chiến
Quốc, giảm xuống nữa, còn dưới một chục: Tề, Tần, Sở, Hàn, Ngụy, Triệu,
Yên; trong số thất hùng, mạnh nhất là Tần, Sở, Tề vì đất đai đã rộng (nhất
là Sở) mà tài nguyên lại nhiều. Gần cuối thời Chiến Quốc họ thành những
quốc gia độc lập, không phục tùng nhà Chu nữa, không chịu xưng bá mà tự
xưng vương (tức tự coi mình ngang với nhà Chu) như Tề, Ngụy năm -334,
Tần năm -325, Hàn, Yên năm -323...; sau Tần Chiêu Tương vương còn tự
xưng là đế (Tây Đế) - năm -228 - sai sứ lập vua Tề làm Đông Đế nữa,
nghĩa là coi Trung Quốc không còn nhà Chu, chỉ còn Tần và Tề là đáng
làm thiên tử của các chư hầu thôi, Tần làm chủ phương Tây, Tề làm chủ
phương Đông. Họ thành những quốc gia độc lập.
Trong quốc gia của họ, họ cũng bỏ chế độ phong kiến mà dùng chế độ quận
huyện. Tấn là nước đầu tiên lập ra một huyện, huyện Khuê Trung thời
Xuân Thu (cuối thế kỷ thứ VII), sau khi chiếm được một miền của một rợ
về phía tây. Sau đó là các nước Sở, Tề, Ngô, nhưng những quận huyện thời
đó vẫn còn có vài nét thái ấp, vì quyền cai trị vẫn còn cha truyền con nối.
Qua thời Chiến Quốc, nhất là từ năm -350, Thương Ưởng làm tướng quốc
ở Tần, chế độ quận huyện thực sự mới được phổ biến và mất hẳn tích cách
thái ấp, nghĩa là viên quan cai trị do chính quyền trung ương bổ nhiệm, có
thể bị thay thế bất kỳ lúc nào, y như một công chức thời nay. Đó là một tiến
bộ lớn đưa tới chế độ quân chủ chuyên chế các đời sau này.
- Mỗi khi một nước chư hầu bị thôn tính - mà suốt đời Xuân Thu và Chiến
Quốc, có hàng trăm nước như vậy- thì một bọn quý tộc mất địa vị, tức như
trường hợp Khổng Tử. Tổ tiên ông vốn người nước Tống. vì bị một quyền
thừa áp bức, họ Khổng phải dời qua nước Lỗ, được năm đời thì sinh ra ông.
Gia đình sa sút, mười tám tuổi chưa có một chức vụ gì cả, mười chín tuổi
thành gia thất rồi mới nhận chức ủy lại, coi việc gạt thóc ở kho, sau làm tư
chức lại (chức tư lại?), coi việc nuôi bò dê để dùng vào việc cúng tế, đều là
những chức thấp nhất trong chính quyền. Mạnh Tử cũng giống ông, thuộc
giòng dõi công tộc Mạnh Tôn ở nước Lỗ, nhưng đến đời ông cha đã sa sút,
tuy là quý tộc mà sống như bình dân.