Qua thời Chiến Quốc, một số vua chư hầu muốn tước quyền của bọn quý
tộc, một mặt không phong thái ấp cho họ nữa, một mặt thâu tước lộc của
con cháu những người đã được phong, như nước Sở dưới triều Điệu Vương
đầu thế kỷ thứ IV, Ngô Khởi vạch cho Điệu Vương thấy cái hại của bọn đại
thần được phong quá đông, khiến cho nước nghèo, binh yếu, nên khuyên
Điệu Vương sau ba đời thì thâu tước lộc lại. Điệu Vương nghe theo, bỏ các
chức quan không cần thiết, bớt lương bổng của một số khác, để lấy tiền
nuôi chiến sỹ. Bọn quý tộc bất mãn, khi Điệu Vương chết, bèn hùa nhau
hãm hại Ngô Khởi, giết và chặt chân tay Ngô Khởi. Giữa thế kỷ thứ IV,
Tần còn làm mạnh hơn nữa, đặt ra bốn mươi mốt quận huyện trong khắp
nước, hằng trăm gia đình quý tộc mất địa vị.
Tóm lại thời Chiến Quốc, gia cấp quý tộc cũ lần lần tan rã, không nắm
quyền hành nữa, và một giới hữu sản mới lên thay: họ là những người khai
phá những đất mới, những thương nhân làm giàu rồi mua đất và thành
những tân địa chủ, lối sống cũng như bọn quý tộc cũ, nhưng tư tưởng tiến
bộ hơn, và một số có tài nhảy ra làm chính trị. Thời Xuân Thu đã có một số
ít người trong giai cấp đó chiếm được những địa vị cao: như Bách Lý Hề,
Quản Trọng, Ninh Thích..., nhưng thời Chiến Quốc mới thực là thời của họ
tung hoành. Họ là những kẻ sỹ áo vải[5] giỏi về chính trị, ngoại giao, kinh
tế hay võ bị, làm quân sư hoặc tướng quốc cho các vua chúa. Họ là Tô Tần,
Trương Nghi, Cam Mậu, Phạm Tuy, Ngô Khởi, Bạch Khởi, Lã Bất Vi, Lý
Tư...
Họ thông minh, có chí, quyết lập nên sự nghiệp, trau dồi kiến thức, tìm hiểu
tình hình mỗi nước, rồi đi kiếm một ông vua để thờ. Họ phải chờ người giới
thiệu hay đút lót mua chuộc bọn hầu cận nhà vua để xin đuợc tiếp kiến.
Được tiếp kiến, họ phải dùng ba tất lưỡi để thuyết phục nhà vua - coi thiên
Thuế nan (trong phần dịch ở sau), độc giả sẽ thấy thuật thuyết phục đó khó
khăn và nguy hiểm ra sao. Khi thuyết phục được rồi, nghĩa là nhà vua chịu
nghe theo kế hoạch của họ, tin dùng họ, thì một bước họ nhảy lên chức