với dân kháng chiến, kháng chiến không được thì bỏ nước mà đi. Lời đó
càng làm Đằng Văn Công lo thêm. Bí quá Mạnh Tử đành phải bảo: "Nhà
vua cứ làm điều thiện đi, đời sau sẽ có người lập được nghiệp vương mà
thống trị thiên hạ". Thật là một lời vô trách nhiệm, nước sắp mất đây, dân
sắp làm nô lệ đây, mạng mình không biết còn hay không đây, mà hy vọng ở
đời sau!
Không có lời nào tỏ được sự thất bại của chính sách nhân chính và tả được
tâm trạng xót xa của các Nho gia thời Chiến Quốc bằng lời Mạnh Tử trách
Tề Tuyên Vương dưới đây:
"Có người hồi nhỏ học đạo (trị quốc) của thánh hiền, lớn lên mong thi hành
sở học của mình. Nhưng nhà vua lại bảo: “Khoan, hãy để qua một bên sở
học của nhà ngươi mà làm theo ý ta đã". Như vậy mới làm sao! Nay nhà
vua có một hạt ngọc chưa mài, dù đáng vạn dật thì cũng giao cho thợ ngọc
mài dũa. Đến việc trị nước thì nhà vua lại bảo: "Khoan, hãy để qua một bên
sở học của nhà ngươi mà làm theo ý ta đã! Sao hành động lại khác khi giao
ngọc cho thợ mài dũa?" (Lương Huệ Vương, hạ -9).
Hành động phải khác chứ, sao lại không? Hạt ngọc đem mài dũa ngay thì
nó đẹp lên ngay, chứ không hại gì cả. Còn dùng sở học của Mạnh Tử tức
nhân chính, để trị nước Tề thì Tề đã không thể mạnh lên ngay được mà còn
có thể bị Tần, Sở đánh bại nữa. Mạnh Tử có tật ví von, thành thử lý luận
của ông nhiều khi bông lông, không thực tế.
Thời Chiến Quốc là thời bảy người đuổi bắt một con hươu, kẻ nào mưu mô,
nhanh chân khéo tay là được. Nhân nghĩa đôi khi cũng có ích đấy, nhung
không đủ, phải làm sao cho nước mau giàu, mau mạnh, phải dùng thuật -
thuật hiểu theo hai nghĩa: kỹ thuật và tâm thuật (tức thủ đoạn). Cho nên bọn
Ngô Khởi, Thương Ưởng, Tô Tần, Trương Nghi... tư cách kém xa Mạnh
Tử, Tuân Tử mà được trọng dụng, làm cho Tần, Sở mau hùng cường.
Trong khi Nho gia chỉ bàn về nhân nghĩa, chê kỹ thuật (Khổng tử chê một
môn đồ là quê mùa vì hỏi ông về nghề nông), cho sự cải cách chế độ, kinh
tế là tầm thường (Mạnh Tử chê sự nghiệp của Quản Trọng là thấp kém) thì
bọn sỹ kia tìm cách cải thiện chính trị, canh nông, binh bị, dùng thuật ngoại
giao làm hậu thuẫn, dùng thuật kiểm soát, điều khiển bề tôi để củng cố