trong thiên XXXII sách Hàn Phi tử, sẽ dịch ở sau.
Tấn Văn công đồng thời với Tống Tướng công (ông này mất năm -637 thì
năm sau Văn công lên ngôi) cũng vì ham cái tiếng nhân nghĩa mà có một
hành động mâu thuẫn: trong chiến tranh với Sở, Hồ Yển khuyên ông nên
dùng mưu gạt Sở, còn Ung Quý khuyên ông đừng, kẻo mất chữ tín, trái
đạo. Ông theo Hồ Yển, thắng Sở rồi thì thưởng công Ung Quý hậu hơn Hồ
Yển, vì theo ông, Ung Quý biết "cái lợi muôn đời" còn Hồ Yển thì chỉ nghĩ
đến cái lợi nhất thời mà thôi. (Hàn Phi chê thái độ đó trong thiên XXXVI -
coi phần dịch.)
Chiến tranh thời Xuân Thu chắc chết ít người lắm.
Nhưng qua thời Chiến Quốc thì khác hẳn. Mạnh Tử đã phải phàn nàn rằng
các chư hầu đều "tranh thành dĩ chiến, tranh địa dĩ chiến", "sát nhân doanh
dã, sát nhân doanh thành”. Hết cái luật quân tử, mà chỉ còn cái luật rừng rú:
chém giết cho thật nhiều, để cướp bóc cho thật nhiều.
Kỹ thuật chiến tranh, khí giới được cải thiện. Người ta dùng nỏ giương
bằng chân, bắn được xa hơn, tương truyền là bắn được kẻ thù cách xa non
một cây số.
Kỵ binh xuất hiện; nhờ rút kinh nghiệm của Hung Nô, người ta vừa phi
ngựa vừa bắn. Năm -307, Triệu Võ Linh vương có lẽ là ông vua đầu tiên ăn
mặc như người Hồ, cưỡi ngựa bắn cung như người Hồ, nghĩa là dùng kỵ
binh như người Hồ để chống lại họ. (coi Chiến Quốc sách - Triệu II.4 - Lá
Bối - 1972). Bộ binh cũng xuất hiện và thành binh chủng quan trọng nhất.
Có những đạo quân hàng trăm ngàn người. Ngay từ thế kỷ thứ IV, Tần là
nước đầu tiên bắt buộc mọi người mạnh mẽ phải đi lính. Người ta chế
những cái thang mây, những cái tháp để công phá thành địch; có những
cuộc công phá kéo dài tới hai, ba năm. Người ta dùng thuật do thám, tuyên
truyền, nghĩa là dùng cả chiến tranh tâm lý.
Càng về cuối thời Chiến Quốc, chiến tranh càng tàn khốc; kinh tởm nhất là
tướng Tần Bạch Khởi chôn sống bốn chục vạn quân Triệu đã đầu hàng
(năm -260)
- Do đó tình hình dân chúng thật điêu đứng. Già nửa dân phải đi lính, kẻ ở
nhà phải nộp thuế có khi tới ba phần tư hoa lợi. Những năm được mùa, dân