như tội hàng giặc hoặc bỏ chạy”, chúng tôi ngờ rằng cũng không hợp với
chủ trương của Khổng Tử. Nhất là truyện 1a/ thiên Ngoại trừ thuyết tả hạ,
Hàn Phi chép rằng khi Khổng Tử làm tướng quốc nước Vệ, có người ghét
ông, tâu với vua Vệ, vu oan cho ông muốn làm phản. Truyện đó sai: Khổng
Tử không hề làm tướng quốc nước Vệ; thời đó kẻ làm loạn ở Vệ là Khổng
Khôi, trùng họ với Khổng Tử, nên người ta lầm là Khổng Tử.
Về Quản Trọng, cũng có vài cố sự chúng tôi vẫn còn ngờ. Truyện 2k/ Nội
trừ thuyết thượng gây cho ta một hình tượng đáng tởm về vị tướng quốc
của Tề Hoàn Công đó: muốn cho dân Tề bỏ cái tục chôn cất trọng hậu làm
tốn vải, tốn gỗ của quốc gia, Quản Trọng hạ lệnh: “Quan quách mà dầy quá
mức thì thây người chết sẽ bị chặt mà kẻ chủ tang sẽ bị tội”. Trị tội người
chủ tang là điều có lí, chặt thây người chết thì vừa vô lí vừa tàn nhẫn quá,
một chính trị gia được Khổng Tử khen là có lòng nhân, dân chúng được
hưởng ân đức (Luận ngữ - Hiến vấn - 17); được Tư Mã Thiên ngưỡng mộ
vì “dân chúng yêu ghét cái gì thì cũng yêu ghét cái đó”, “mệnh lệnh nào
ban xuống cũng thuận lòng dân, như nguồn nước xuôi dòng”, “dân muốn
cái gì thì cấp cho cái đó, không muốn cái gì thì trừ cái đó”, biết “phân biệt
nặng nhẹ, cẩn thận về việc cân nhắc lợi hại”, một người như vậy lẽ nào lại
ra cái lệnh “bất nhân” kia.
Mà Quản Trọng cũng không thể có thái độ bỉ ổi như trong truyện 5b/ thiên
Ngoại trừ thuyết tả hạ; phàn nàn với Tề Hoàn Công rằng mình nghèo,
Hoàn Công cho có đài tam qui; được đài tam qui rồi lại phàn nàn rằng địa
vị thấp – làm tướng quốc địa vị còn thấp! – Hoàn Công cũng chiều lòng,
đặt ông ta lên trên hai quí tộc Cao và Quốc của Tề; được địa vị đó rồi lại
xin được coi là người trong họ nhà vua, vì vậy mà Hoàn Công mới “lập ông
làm Trọng phụ” (như hàng cha chú của vua).