HÀN PHI TỬ - Trang 206

Dương Hổ chỉ có tội là vụng về mà thất bại, còn gian trá, thì bề tôi nào mà
chẳng có lòng gian trá, chẳng muốn cướp quyền vua để hưởng lợi, giữa vua
và họ có tình ruột thịt gì đâu mà bảo họ thương yêu vua. Mà họ thành ra
gian trá chính là lỗi ở vua nhu nhược, hôn ám, chứ nếu vua sáng suốt,
nghiêm khắc thì họ đâu dám không trung tín. Vậy Bão Văn tử khuyên vua
trừng phạt Dương Hổ là bậy.

Nhưng rồi Hàn xét lại, bênh vực Bão Văn tử: trừng trị Dương Hổ là phải
vì vậy là ngăn ngừa cái loạn có thể phát ra (Dương Hổ có thể làm loạn ở Tề
như đã làm loạn ở Lỗ), thị oai với bọn bề tôi có lòng gian tà, mà lại được
tình thân ái của Quí tôn, Mạnh tôn, Thúc tôn ở Lỗ.

Dương Hổ bị nghi ở Tề, bèn trốn qua Triệu, được Triệu Giản chủ phong
làm tướng quốc. Ngoại trừ thuyết tả hạ, truyện 2c/ chép:
“Kẻ tả hữu hỏi Giản chủ: “Hổ giỏi cướp chính quyền mà sao nhà vua lại
dùng làm tướng quốc?” Giản chủ đáp: “Dương Hổ lo cướp chính quyền, ta
lo giữ” và ông dùng thuật để khống chế Hổ. Hổ không dám làm bậy, trung
thành phụng sự, làm cho Giản chủ mạnh hơn lên, gần thành một bá chủ chư
hầu”.

Đó mới là chủ trương của Hàn Phi: vua đối với bề tôi, chỉ nên cậy vào cái
thuật khống chế bề tôi của mình chứ không nên trông cậy vào sự trung
thành của bề tôi vì bề tôi nào cũng có những quyền lợi ngược với quyền lợi
của vua, cũng nuôi lòng phản vua. Hễ có bản lãnh như Triệu Giản tử mà
không ngại làm mất lòng nước Lỗ (Triệu ở xa Lỗ) thì cứ dùng Dương Hổ:
nếu thiếu bản lĩnh như Tề Cảnh công lại ở sát nước Lỗ, sợ mất lòng Lỗ thì
đừng dùng Dương Hổ. Còn bản thân Dương Hổ thì chẳng có gì tội với Tề,
với Triệu cả, không đáng trách. Quan niệm đó là quan niệm của Pháp gia,
mà phân tích, xét tới, xét lui cả mọi mặt như vậy quả là kĩ.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.