Vandermeersch, trong sách đã dẫn trang 237, đã khen Hàn Phi có tài cùng
bàn về một vấn đề mà đưa ra được hai lối nghị luận trái ngược nhau, như
trong bài 6 thiên Nạn nhị. Cố sự như sau:
“Lí Khắc trị nước Trung Sơn. Quan lệnh ấp Khổ Hình trình bản kế toán, số
thu quá nhiều. Lí Khắc bảo: “Lời nói khéo léo nghe thì thích, nhưng không
hợp tình lí, như vậy gọi là “điệu ngôn” (hư ngôn, không thực). Không có
mối lợi về núi rừng, chằm hang mà số thu được nhiều, như vậy là “điệu
hoá” (hư vật, không có thực). Người quản tử không nghe “điệu ngôn”,
không nhận “điệu hoá”; ông nên từ chức đi”.
Hàn Phi bác bẻ lời của Lí Khắc theo hai cách: Cách thứ nhất theo lối ngụy
biện, khúc luận của Danh gia. Ông bảo:
“Lí tử lập thuyết: “Lời nói khéo léo nghe thì thích nhưng không hợp tình lí,
như vậy gọi là “điệu ngôn”.
Khéo nói là làm cho người nghe thích, cái đó tuỳ người nghe. Người nói
không phải là người nghe thì sự khéo nói cũng không phải là sự thích
Cái mà Lí tử bảo là không hợp tình lí không tuỳ thuộc người nghe mà tuỳ
thuộc lời người đó nghe được. Người nghe nếu không phải là tiểu nhân (vô
học) thì là quân tử. Tiểu nhân không hiểu tình lí vậy không thể xét lời nói
xem có hợp tình lí hay không; quân tử biết xét lời nói xem có hợp tình lí
hay không thì tất không thể thích được (vì lời nói khéo không hợp tình lí).
Vậy bảo “Lời nói khéo léo nghe thì thích nhưng không hợp tình lí” là nói
sai”.