Có Trọng thì ba con người đó chỉ là ba thất phu. Không vậy thì thiên hạ
thiếu gì hạng người như ba tên đó? Dù Uy Công may ra mà nghe lời Trọng,
giết ba người đó đi, thì còn những kẻ khác, Trọng có thể trừ hết được
không? Than ôi! Có thể bảo rằng Trọng không biết cái căn bản vậy. Nhận
lời hỏi của Uy Công mà tiến cử bậc hiền tài trong thiên hạ để thay mình.
Trọng tuy mất, nhưng nước Tề cũng vẫn còn Trọng. Như vậy ba con người
kia có đáng ngại đâu, chẳng cần nói nữa…”.
Hai nhà sống cách nhau mười ba thế kỉ (Hàn sinh năm – 280, Tô sanh
năm 1009), một là pháp gia, một là nho gia, cùng phê bình một nhân vật mà
sao giống nhau như thế; cùng không trách Hoàn Công mà chỉ kết tội Quản
Trọng. Hàn chê Quản Trọng là không làm cho Hoàn Công hiểu rõ pháp
thuật, Tô bắt lỗi Quản là không tiến cử người hiền; cùng bất công thiên lệch
cả: Hàn không xét rằng Hoàn Công không phải hạng vua đủ tư cách, bản
lãnh để tự giữ được pháp thuật; Tô quên rằng Quản đã mấy lần tiến cử
người hiền (như Thấp Bằng, Ninh Thích, Ninh Việt… ) lên Hoàn Công,
trước khi chết lại tiến cử Thấp Bằng thay mình nữa, chẳng may Thấp Bằng
cũng chết sớm nên Tề mới mau loạn.
Lời văn cũng giống nhau. Hàn viết: “Quản Trọng không làm cho Hoàn
Công hiểu rõ pháp độ (chỉ khuyên đuổi Thụ Điêu), giả sử đuổi Thụ Điêu
rồi thì một Thụ Điêu khác lại đến, đó không phải là cách tận diệt sự gian
tà…
使去豎刁, 一豎刁又至, 非絕姦之道也。
(Sử khử Thụ Điêu, nhất Thụ Điêu hựu chí, phi tuyệt gian chi đạo dã).
Tô viết: “Dù Uy Công may ra mà nghe lời Trọng, giết ba người đó đi thì
còn những kẻ khác, Trọng có thể trừ hết được không?
雖桓公幸而聽仲,誅此三人,而其餘者,仲能悉數而去之邪?
(Tuy Uy Công hạnh nhi thính Trọng, tru thử tam nhân, nhi kì dư giả,