năm nào, chỉ biết ông làm tướng quốc cho Tề Hoàn công từ năm -685 đến
năm -645, năm ông mất.
Thời đó Tề Tương công hoang dâm vô độ, bị một công tôn là Vô Tri giết,
nước Tề loạn. Hai vị công tử có tư cách nối ngôi là công tử Củ và công tử
Tiểu Bạch. Bão Thúc Nha là đại phu nước Tề đem Tiểu Bạch chạy sang
nước Cử lánh nạn, còn Quản Trọng đưa công tử Củ sang Lỗ.
Quản Trọng tên là Di Ngô người đất Dĩnh Thượng (Tề), sinh trong giới
bình dân, nhưng có học, nhà nghèo, phải đi buôn dầu, hồi trẻ chơi thân với
Bão Thúc Nha. Hai người hẹn với nhau sau hễ ai thành công thì giúp đỡ
người kia. Năm -648, Vô Tri bị một đại phu giết, nước Tề không có vua,
Bão Thúc mượn quân đội của Cử đưa Tiểu Bạch về; Lỗ cũng đưa công tử
Củ với Quản Trọng về. Tiểu Bạch về trước, có thì giờ sắp đặt để đối phó
với Lỗ, Lỗ thua, công tử Củ chết, Quản Trọng bị cầm tù để trả về Tề. Tiểu
Bạch lên ngôi, tức Tề Hoàn công. Bão Thúc biết tài Quản Trọng, chẳng
những thuyết phục được Hoàn công tha rồi trọng dụng Quản Trọng, mà còn
tự đặt dưới quyền Quản Trọng nữa.
Hoàn công phong Quản Trọng làm tướng quốc, trọng ông như cha chú, nên
gọi ông là Trọng phụ (cũng như thúc phụ). Hoàn công là một ông vua rất
tầm thường hiếu sắc, thích ăn ngon, ưa nịnh, chỉ nhờ biết tin dùng Quản
Trọng trong 40 năm liên tiếp, mọi việc trong nước đều giao phó cho ông
hết, mà nước Tề đương suy hóa thịnh, thành bá chủ các nước chư hầu.
Quản Trọng chết rồi, Tề lại suy liền vì Hoàn Công không nghe lời Quản
Trọng, dùng bọn tiểu nhân Dịch Nha, Thụ Điêu..., và hai năm sau bị bọn
này nhốt, bắt nhịn đói, chết, thây thành dòi mà không được chôn.
Đời sau truyền lại bộ Quản Tử (gồm 86 thiên, mất 10 thiên) chép thành tích
chính trị, tư tưởng cùng pháp chế của Quản Trọng. Tư Mã Thiên, trong Sử
ký bảo đã đọc những thiên Mục dân, Sơn cao, Thừa mã, Khinh trọng, Cử
phụ của Quản Trọng, lại bảo bộ đó nhiều người có; Hàn Phi cũng bảo trong
dân gian nhiều nhà có bộ đó, vậy ta có thể tin rằng nó đã xuất hiện trễ lắm
vào cuối đời Chiến Quốc. Nhưng hết thảy các học giả đời sau đều nhận
rằng nó không phải của Quản Trọng soạn, mà của người đời Chiến Quốc
viết vì trong bộ đó có nhiều đoạn trùng nhau, nhiều chữ mâu thuẫn, nhiều