tư tưởng y hệt học thuyết Pháp gia đời sau. Tuy nhiên nó cũng chứa một
phần di thuyết của Quản Trọng, và dưới đây là những điều chúng ta có thể
gần tin được, sau khi tham khảo một số sách khác như Sử ký, Trung Quốc
cổ đại chính trị gia, Trung Quốc chính trị tư tưởng sử...
1/ Chủ trương của Quản Trọng là "lời bàn luận không cao xa mà dễ thi
hành (luận ti nhi dị hành), nghĩa là ông có óc thực tế, không bàn chuyện
viễn vông, tránh những lý thuyết cao siêu (như Mặc tử, Lão, Trang sau
này).
2/ Mục đích trị nước theo ông là làm sao cho quốc phú, binh cường. Ông
chú trọng nhất đến sự phú quốc vì "kho lẫm đầy rồi mới biết lễ tiết, y thực
đủ rồi mới biết vinh nhục".
Thời đó là Xuân Thu, Tề cũng như mọi nước khác trọng nông nghiệp hơn
hết. Nhưng Tề tương đối hẹp hơn các nước khác, mà lại ở gần biển và có
nhiều mỏ, nên ông khuyến khích sự khai thác mỏ để đúc tiền, nấu nước
biển làm muối. Muối sản xuất được nhiều, chở đi bán các nước khác ở xa
bờ biển, thành một mối lợi lớn, nhờ vậy mà Tề mau giàu.
Ông lại biết lưu thông hoá vật , thu mua hàng hóa trong thiên hạ để một
chỗ, đợi dịp giá cao bán lấy lãi, lập ra 300 nhà nữ lư (tức như thanh lâu)
cho khách buôn đi lại tụ họp, để thu thuế. Như vậy ông đề xướng ra hai cải
cách: coi công và thương cũng quan trọng ngang nông nghiệp, nếu không
hơn, và quốc hữu hoá một số nguồn lợi trong nước.
3/ Muốn cho binh cường, ông có sáng kiến "ngụ binh ư nông" (gởi việc
binh vào nghề nông ), thời bình dân làm ruộng, những lúc rảnh rỗi thì luyện
võ bị, có bao nhiêu nông dân khoẻ mạnh là có được bấy nhiêu binh sỹ.
Như vậy cần phải nhiều giáp binh; ông đặt ra lệ cho chuộc tội: tội nặng thì
chuộc bằng một cái tê giáp (áo giáp bằng da con tê), tội nhẹ thì chuộc bằng
một cái quy thuẫn (cái thuẫn bằng mai rùa); tội nhỏ thì nộp kim khí, tội còn
nghi thì tha hẳn; còn như hai bên thưa kiện nhau mà bên nào cũng có lỗi
một phần thì ông bắt nộp mỗi bên một bó tên rồi xử hoà.
Ông tổ chức lại quân đội: năm người họp thành một ngũ, năm chục người
(tức mười ngũ) thành một tiểu nhung, hai trăm người thành một tốt, hai
ngàn người thành một lữ, một vạn người thành một quân. Mùa xuân tổ