lệnh mệnh của trời để trị dân, cho nên đi ngang qua ngai vàng dù không có
vua ngồi, ông cũng tỏ vẻ sợ sệt. Vua có lỗi ông không dám trách thẳng,
nhưng khi vua Lỗ say mê sắc đẹp, ca hát, bỏ bê việc nước, ông muốn bỏ đi
nước khác nhưng phải đợi vua Lỗ làm lễ tế Giao, không chia thịt cho các
quan, rồi mới từ chức, qua nước Vệ, để tỏ rằng vua không muốn dùng mình
nữa nên mình mới đi, chứ không phải là ông chê vua vô đạo ham mê tửu
sắc.
Quản Trọng khác hẳn, tuy không làm trái ý Hoàn công, khéo can gián Hoàn
công không nên vì giận Thiếu Cơ, một quý phi lỡ vô lễ với mình, mà đem
quân đánh nước Thái, lại để mặc Hoàn công gần gũi với bọn tiểu nhân Dịch
Nha, Thụ Điêu; nhưng đối với Hoàn công ông có thái độ thân mật, mà
Hoàn công cũng trọng ông như cha chú, cơ hồ như ông tôn quân chỉ vì vua
đại biểu cho quốc gia; lòng trọng vua của ông không có chút màu sắc thần
quyền hay tôn giáo gì cả. Chắc chắn ông không tin rằng vua là "con trời".
Ông không đòi hỏi gì nhiều ở Hoàn công, không mong rằng Hoàn công
phải sáng suốt, có uy, có đức; chỉ cần tin dùng ông, nghe lời ông, yêu dân
một chút, đừng tàn bạo, ngoài ra, có ham tửu sắc mà đừng trụy lạc thì cũng
không sao, vì ông nghĩ còn mình thì bọn Dịch Nha, Thụ Điêu không làm
hại xã tắc được.
Cách dùng người, ông chỉ chú trọng tới tài năng, không cần biết đến giai
cấp của họ, chẳng hạn giới thiệu Ninh Thích, một ẩn sỹ chăn bò, với Hoàn
công, và Hoàn công phong làm đại phu, cho cùng coi việc nước với ông.
Điều đó dễ hiểu, chính ông cũng ở trong giai cấp bình dân mà được Bão
Thúc tiến cử với Hoàn công.
Tuy nhiên, đối với các quý tộc ở Tề, như họ Cao, họ Quốc, ông tỏ ra nhã
nhặn, không nghi kỵ tìm cách triệt hạ quyền lợi của họ như Ngô Khởi và
Thương Ưởng sau này; một phần do ông ôn hoà, khôn khéo, một phần có lẽ
do bọn quý tộc thời đó uy quyền còn mạnh lắm, không suy như cuối đời
Chiến Quốc, ông biết rằng không thể lật họ được.
7/ Quản Trọng biết thuận ý dân, "dân muốn gì thì cấp cho cái đó, không
muốn cái gì thì trừ cho cái đó" (Sử ký). Ông tìm cách giúp đỡ dân, giảm
bớt thuế má, khuếch trương công thương, dùng chính sách kinh tế tự do