giải thích luật pháp nữa, mà hễ giải thích sai thì các quan trong triều so
sánh với bản văn trên đỉnh, không ai cất giấu được mà sẽ chỉ trích, bắt giải
thích lại.
Chúng ta nên nhớ thời đó các quan coi về hình cũng như các quan đại thần
ở triều đình đều ở trong giới quý tộc, họ thường giải thích luật pháp theo
quan niệm lễ tục của họ, có lợi cho họ. Việc đúc hình thư làm cho họ mất
quyền giải thích pháp luật theo tự ý, tức là làm giảm quyền uy của họ. Họ
cố giữ các tục "lễ bất hạ thứ nhân, hình bất thượng đại phu" (Lễ ký), nghĩa
là giữa họ với nhau có xảy ra việc gì thì họ theo pháp điển bất thành văn
(lễ) của họ mà dàn xếp; còn đối với dân thường họ mới dùng hình mà chỉ
họ được biết thôi.
Vì vậy Thúc Hướng ngại người ta sẽ tranh nhau giải thích hình thư mỗi
người một ý, rồi nạn hối lộ sẽ nảy nở, nước sẽ loạn, "tới đời con cháu
chúng ta, nước Trịnh sẽ nguy mất". Tử Sản đáp: "Kiều tôi bất tài, đâu dám
nghĩ đến đời con đời cháu chúng ta, chỉ mong cứu đời lúc này thôi. Nhưng
mặc dầu tôi không vâng lời ngài, tôi vẫn không dám quên cái đức lớn của
ngài" (tức lòng nhân từ của ngài đối với tôi).
Tử Sản chưa phải chủ trương pháp trị, nhưng cũng đã làm cho pháp luật có
tính cách khách quan hơn trước, nhà cầm quyền không thể tự ý giải thích
theo quyền lợi của mình nữa; vì dân ông đã tước một chút quyền của giai
cấp quý tộc, tức giai cấp của ông. Ông thực sự có lòng yêu dân và ngay
thẳng. Cho nên Khổng Tử dù chê việc đúc hình thư mà vẫn khen ông là
người quân tử: "khiêm cung đối với người, thờ vua thì kính trọng, thường
ban ân huệ cho dân, sai khiến dân một cách hợp lẽ" ( Luận Ngữ - Công Dã
Tràng - 15). Tương truyền khi hay tin Tử Sản chết, ông khóc.
Theo Hàn Phi (thiên XXX) thì trước khi chết, Tử Sản dặn dò Du Cát, người
sẽ nối chức ông:
- Tôi chết rồi, ông sẽ cầm quyền nước Trịnh, ông phải nghiêm khắc trị dân.
Lửa có vẻ dữ dằn, nên ít người bị chết thiêu; nước có vẻ nhu nhược nên
nhiều người chết đuối. Ông nên dùng hình phạt nghiêm khắc, đừng để cho
dân chết đuối vì sự nhu nhược của ông.
Du Cát không nghe, tới khi thanh niên muốn nổi loạn, mới ân hận thẳng tay