trừng trị. Nếu truyện đó đúng thì Thương Ưởng và Hàn Phi sau này đều
chịu ảnh hưởng của Tử Sản.
LÝ KHÔI
Thế kỷ thứ 4 trước T.L., các pháp gia nối tiếp nhau xuất hiện. Đáng ghi
trước hết là Lý Khôi ở sơ kỳ thời Chiến Quốc. Có sách gọi ông là Lý Khắc
(có lẽ vì âm Khắc và âm Khôi gần nhau), có sách gọi ông là Lý Đoái (vì
chữ Khắc
克 với chữ Đoái 兌 rất giống nhau). Ông làm quan thú đất
Thượng Địa rồi làm tướng quốc cho Ngụy Văn hầu, không rõ năm sinh tử,
chỉ biết sống ở hậu bán thế kỷ thứ 4. Tương truyền ông viết bộ Pháp kinh
gồm 6 thiên và Thương Ưởng sau này dùng bộ đó để biến pháp ở Tần. Bộ
đó đã thất lạc. Ông lại có công đưa ra thuyết "Tận địa lực" tức tăng gia
nông sản tới mức tối đa.
Hàn Phi chịu ảnh hưởng ít nhiều của ông và trong thiên XXX - Nội trừ
thuyết thượng (coi phần dịch) có nhắc tới ông như sau:
Khi làm quan thú Thượng Địa, muốn cho dân nơi đó bắn giỏi, ông ra lệnh
rằng hễ trong việc tranh tụng mà còn hồ nghi thì cho hai bên bắn vào đích,
ai bắn trúng sẽ thắng kiện, ai bắn trật sẽ thua. Dân đua nhau tập bắn, hoá ra
bắn giỏi, nhờ vậy mà khi chiến tranh với Tần, ông đại thắng.
NGÔ KHỞI
Ông chính là một Binh gia, nhưng đồng thời cũng là một Pháp gia về thực
hành: Binh gia và Pháp gia tinh thần có nhiều điểm giống nhau. Ông sống
cùng thời với Lý Khôi, mới đầu là tướng quân nước Sở, sau làm quan thú
đất Tây Hà và tướng quốc cho Ngụy Vũ hầu, con Ngụy Văn hầu, sau cũng
làm tướng quốc cho Sở Điệu vương. Theo Hàn Phi thì thời của Hàn, người
ta chứa cất nhiều sách của Thương Quân, Quản tử, Tôn tử, Ngô tử. Ngô tử
tức Ngô Khởi và bộ binh thư của ông gồm 18 thiên.
Khi làm quan thú đất Tây Hà, muốn triệt hạ một cái "đình của Tần ở biên
giới mà không phải trưng binh, chỉ dùng dân trong miền thôi, ông nghĩ ra
một thuật: chống cái càng xe ở cửa bắc, bảo ai dời nó qua cửa nam thì sẽ
được thưởng ruộng và nhà thượng hạng. Mới đầu dân không tin, chỉ cười;