nước Tấn (Hàn, Triệu, Ngụy từ Tấn tách ra); không trọng nhân nghĩa mà trị
mạnh là nước Tần. Nhưng Tần tuy mạnh mà chưa làm đế (thống nhất thiên
hạ) được là vì việc trị nước chưa hoàn tất.
*
Kinh 3. Cho tới đây chúng ta thấy mỗi kinh chỉ đưa ra một qui tắc, một
thuật, kinh này đưa ra tới hai thuật.
Thuật thứ nhất: Hễ nuôi cái lòng “người khác phải vì mình” (nghĩa là nghĩ
tới cái lợi của mình hơn cái lợi của họ) thì hai bên sẽ trách oán nhau;
(ngược lại) nếu nuôi cái lòng “ai cũng vì bản thân của người đó thôi”
(nghĩa là ai cũng nghĩ tới cái lợi của chính mình hơn cái lợi của người
khác), thì sẽ nên việc
Vì vậy mà có khi cha con oán trách nhau, mà mướn người làm công thì cho
họ ăn ngon (…).
Thuật thứ nhì: Nếu theo các học giả (trỏ Nho gia) mà thi hành cái đạo
mang mang xa vời (không thực tế) của các tiên vương, thì có lẽ không hợp
thời nay chăng? (…) Hành động không thích hợp với việc nước mà cứ xưng
tụng tiên vương thì cũng như về nhà lấy cái ni đo chân vậy.
Truyện 3 (Trong phần truyện này Hàn Phi dẫn chứng tới 17 cố sự, nhưng
có nhiều cố sự không liên quan gì tới hai thuật nêu ở phần kinh. Cơ hồ như
Hàn Phi viết vội, chưa kịp sửa lại. Chúng tôi chỉ lựa 1 truyện a/ giải thích
thuật thứ nhất và 3 truyện p/ r/ s/ giải thích thuật thứ nhì.)
a/ Cha mẹ không săn sóc con kĩ khi nó còn nhỏ thì lớn lên nó oán mình.
Con được nuôi thành người rồi, mà cung dưỡng cha mẹ không được hậu thì
cha mẹ giận, oán trách nó. Cha con là tình chí thân mà có khi còn trách
nhau, oán nhau là do ai nấy đều muốn cho người khác phải vì mình (cha
muốn cho con phải vì cha, con muốn cho cha phải vì con), chứ không muốn
cho mỗi người chỉ vì bản thân của người đó thôi.
Mướn người gieo mạ, cày ruộng cho mình thì người chủ không ngại phí tổn
mà cho họ ăn ngon, lại còn lựa tiền, vải tốt
không phải vì yêu họ đâu mà vì nghĩ: “Có vậy họ cầy mới sâu, cào cỏ mới
kĩ cho mình”. Người làm công đó, hết sức cầy và cào cỏ, sửa sang bờ