*
Kinh 3. Thuật sở dĩ không thi hành được là có lí do; (người bán
rượu) không giết con chó (dữ) thì rượu hóa chua, mà bọn bề tôi cầm quyền
là bầy chó dữ của nước; còn bọn tả hữu của vua là bầy chuột làm hại nền
xã tắc (vì dòm ngó tình ý của vua). (…) (Muốn diệt bọn đó thì phải cương
quyết như) Trang vương trả lời thái tử (bắt thái tử giữ phép nước như mọi
người) (…) ( và phải nén đau khổ trừ bỏ bề tôi mình yêu nhất nếu họ phạm
pháp như) Văn công chém Điên Hiệt
Truyện 3. a/ Nước Tống có người bán rượu, đong rượu rất ngay
thẳng, tiếp khách rất ân cần, bài rượu treo thật cao, nhưng vẫn ế, rượu (để
lâu) hóa chua, lấy làm lạ, hỏi một ông già trong xóm tên là Dương Thiến.
Thiến đáp: “Tại chó của chú dữ quá!” Hỏi : “Chó dữ thì tại sao rượu lại
ế?” Đáp: "Có người sai trẻ mang tiền, cầm bình hoặc vò tới mua, chó của
chú xông ra cắn, vì vậy rượu để tới chua, không người mua". Nước cũng
vậy, có loài chó dữ. Những kẻ sĩ biết đạo đem thuật (trị nước) tới muốn soi
sáng cho bậc chúa muôn cỗ xe thì bọn đại thần làm chó dữ, xông ra cắn, vì
vậy mà chúa bị che lấp, lấn áp, kẻ sĩ có đạo không được dùng.
Do lẽ đó mà (xưa kia khi Tề) Hoàn công hỏi Quản Trọng : “Trị nước
thì cái gì đáng lo nhất?”, Quản Trọng đáp: "Đáng lo nhất là bầy chuột nền
xã". Hỏi: “Sao lại lo chuột nền xã ?” Đáp: “Nhà vua đã thấy người ta lập
nền xã (nơi thờ thần đất đai) rồi chứ? Người ta trồng một cây (tượng trưng
cho thổ thần), rồi tô đất màu lên. Chuột khoét đất, đào hang ở trong nền xã;
hun khói thì sợ cây cháy mà dội nước thì sợ trôi mất màu, vì vậy mà không
sao bắt được chuột nền xã. Nay bọn tả hữu của nhà vua khi ra thì ỷ vào
quyền thế mà bóc lột dân chúng, khi vào thì lập bè đảng che giấu tội ác
không cho vua thấy, bên trong dò xét tình ý của vua để cho bên ngoài biết,
ở trong và ở ngoài, quyền thế đều lớn, ăn hối lộ của các quan lại mà hóa
giàu. Người chấp chính không giết họ thì phép nước sẽ loạn mà giết thì vua
không chịu, che chở mà giữ họ
, họ cũng là loài chuột nền xã trong nước
đấy”.