đi đường không ngồi cùng xe với người y phục đẹp đẽ như mình, tại nhà thì
không ở chung với người trong họ mình (để người ngoài khỏi lầm những
người trong họ đó là vua); huống hồ là cho bề tôi mượn quyền của mình mà
làm mất cái (uy) thế của mình đi.
d/ Ngô Chương (bề tôi nước Hàn) nói với Hàn Tuyên vương : ”Bậc vua
chúa không nên giả vờ thương người vì như vậy một ngày kia không thể lại
ghét họ trở lại được; không nên giả vờ ghét người vì như vậy một ngày kia
không thể lại thương họ trở lại được. Sự giả vờ thương hay ghét mà để lộ ra
một chút thì kẻ nịnh bợ nhân đó mà khen chê (người mình giả vờ thương
hay giả vờ ghét), (lúc đó) dù là bậc minh chủ cũng không bỏ được thái độ
vờ thương, vờ ghét của mình, huống hồ lại thành thực thương hay ghét (thì
làm sao còn có thể bỏ thương bỏ ghét được nữa).
Một thuyết khác bảo : Ngô Chương nói: “Bậc vua chúa không nên giả
thương giả ghét bề tôi; giả thương rồi thì không trở lại ghét được nữa, giả
ghét rồi thì không thể trở lại thương được nữa”.
Kinh 4. - Bậc vua chúa là người giữ pháp luật, xét bề tôi có thể làm được
việc hay không để định công. Nghe nói quan lại dù loạn thì vẫn có hạng
dân riêng giữ được đức hạnh, tiết tháo (độc thiện kì thân) ; chứ không nghe
nói dân loạn mà có quan lại riêng tốt (nghĩa là dân loạn luôn luôn do quan
lại xấu), cho nên bậc minh chủ trị quan lại chứ không (trực tiếp) trị dân (hễ
quan lại tốt thì dân không loạn) (…)
Truyện 4. Muốn lay cây thì không kéo từng cái lá một, như vậy tốn công
mà không xuể ; nắm thân nó mà lắc qua phải qua trái thì lá đều rung rinh
hết (…) Người khéo bủa lưới thì kéo dây lưới; chứ nếu kéo từng mắt lưới
một cho tới hết cả vạn cái mắt thì mệt và khó. Kéo dây lưới lên là bắt được
cá rồi. Quan lại là dây lưới của dân, cho nên thánh nhân trị quan lại chứ
không (trực tiếp) trị dân.
c/ Tháo Phủ (một người giỏi đánh xe thời cổ) đương cào cỏ, thấy hai cha