biết thưởng đúng.
2 - Trị dân không phải là đem thân mình ra làm gương để cảm hoá dân mà
là dùng cái thế để trừng trị dân, sửa đổi họ.
Nông phu ở Lịch sơn lấn ruộng nhau, ông Thuấn lại đó cày ruộng được một
năm thì bờ ruộng đều chỉnh tề cả. Dân chài ở bờ sông (Hoàng Hà) tranh
nhau các bãi trên sông, ông Thuấn đến đó đánh cá, được một năm thì người
trẻ nhường những bãi đó cho người lớn tuổi. Đồ gốm thợ Đông Di làm đều
xấu dễ vỡ, ông Thuấn lại đó làm lò gốm, được một năm, các đồ gốm đều
tốt, chắc chắn. Trọng Ni khen: “Làm ruộng, đánh cá, làm đồ gốm không
phải là chức vụ của ông Thuấn, mà ông đích thân tới làm tại chỗ, là muốn
sửa khuyết điểm cho dân. Ông quả thực là bậc nhân đức. Ông chịu khó
nhọc mà dân chịu theo ông, cho nên bảo: “Thánh nhân dùng đức mà cảm
hóa người”.
*
Có người bảo (…)
Ông Thuấn sửa khuyết điểm (cho dân), một năm mới sửa được một tật, ba
năm được ba tật. Tuổi thọ của ông có hạn mà tật của dân thì vô cùng: lấy
cái hữu hạn để trừ cái vô cùng, thì trừ được bao nhiêu đâu. Nếu dùng sự
thưởng phạt bắt dân thi hành, mà ra lệnh rằng: “Hễ làm đúng phép thì được
thưởng, trái phép thì bị phạt” thì sáng ban lệnh, chiều sự tình đã thay đổi
rồi, chiều ban lệnh, sáng hôm sau đã thay đổi, chỉ trong mười ngày là khắp
nước thay đổi cả, đâu phải đợi tới một năm? Ông Thuấn không biết khuyên
vua Nghiêu bắt dân theo lệnh của ông, mà lại đích thân chịu lao khổ, chẳng
phải là không biết thuật trị dân ư? Vả lại nếu phải đích thân chịu lao khổ rồi
mới cảm hoá được dân, thì ngay Nghiêu, Thuấn cũng khó làm được, còn
dùng (quyền) thế mà uốn nắn kẻ dưới thì vị chúa tầm thường nào cũng cho
là dễ. Muốn trị thiên hạ mà lại bỏ cái cách một vị chúa tầm thường cũng dễ
dàng làm được, để theo cái cách mà Nghiêu, Thuấn cũng cho là khó làm,
thì kẻ đó chưa có thể cho làm chính trị được.
3 - Thuật dùng bề tôi: không cho một người kiêm nhiệm nhiều chức, không
để cho bọn tả hữu ngăn cách vua với quần thần.
Quản Trọng không biết giảng điều đó cho Hoàn công.