được cất nhắc mà kẻ gian tà không được dùng, như vậy dù có Thụ Điêu,
hắn cũng không làm gì được vua; mà bề tôi sẽ tận lực thờ vua, vua ban tước
lộc để báo đáp bề tôi. Vua tôi đối với nhau không có cái tình cha con, đều
là tính toán với nhau cả; hễ vua có đạo (tức thuật) thì bề tôi tận lực mà việc
gian tà không phát sinh, vua vô đạo thì bề tôi trên che lấp cái sáng của vua,
dưới thực hành tư dục của mình. Quản Trọng không làm cho Hoàn công
hiểu rõ pháp độ đó (chỉ khuyên đuổi Thụ Điêu), giả sử đuổi Thụ Điêu rồi
thì một Thụ Điêu khác lại đến, đó không phải là cách tận diệt được sự gian
tà.
Hoàn công sở dĩ chết, giòi bò ra tới cửa mà không được chôn, là vì bề tôi
thế lực mạnh quá, thế lực mạnh quá thì nắm hết quyền của vua; bề tôi nắm
hết quyền của vua thì lệnh của vua không đạt tới cấp dưới mà tình thực của
bề tôi không thông lên vua được. Sức của một người có thể ngăn cách được
vua tôi với nhau, khiến vua không biết được thiện và ác, không thấy được
hoạ và phúc, do đó mà có cái hoạ chết không được chôn. Cái đạo của bậc
minh chủ là một bề tôi không được kiêm nhiều chức, một chức không kiêm
nhiều việc; kẻ hèn thấp không phải nhờ kẻ tôn quí mới được tiến dụng, đại
thần không phải nhờ kẻ tả hữu của vua mới được yết kiến vua; bách quan
đều được trình ý kiến lên vua, quần thần cùng nhau lo việc công; vua có
thấy công bề tôi rồi mới thưởng, biết tội bề tôi rồi mới phạt; sự thấy, biết đó
phải đúng, mà sự thưởng phạt không lầm, như vậy thì làm sao có cái hoạ
chết không được chôn? Quản Trọng không giảng rõ lẽ đó cho Hoàn công
hiểu, chỉ xin đuổi ba người. Vì vậy mà tôi bảo Quản Trọng không có pháp
độ.
4- Không có công thì không thưởng, không có tội thì không phạt (lược bỏ)
5- Vua phải giữ đạo vua, bề tôi phải giữ lễ bề tôi.
Tóm tắt: Tấn Bình công giữa đám bề tôi, bảo không gì sướng bằng làm
vua vì nói ra, không ai dám cãi. Sư Khoáng, một nhạc sư đui có tư cách,
ngồi ở bên, làm bộ không biết rằng chính vua đã nói câu đó, cầm cây đàn
đập, Bình công đỡ được, hỏi Sư Khoáng, Sư Khoáng thưa: “Có kẻ tiểu
nhân nào nói đó nên thần đánh nó”. Bình công nhận chính mình nói. Sư
Khoáng không tạ tội, chỉ đáp: “Bậc vua chúa không nên nói như vậy” Bình