Nguyễn Hiến Lê & Giản Chi
Hàn Phi Tử
THIÊN XXXVII
NẠN NHỊ (Trích)
(BIỆN NẠN - II)
1 – Hình phạt cần phải thích đáng, nhiều ít không thành vấn đề.
(Tề) Cảnh công qua nhà Án tử (Án Anh), bảo:
- Nhà ông nhỏ mà lại gần chợ, xin ông dời qua ở vườn Dự Chương.
Án tử vái hai lần, từ tạ:
- Anh tôi nghèo, sáng chiều đều phải đi chợ, nên không tiện dời đi xa.
Cảnh công cười, hỏi:
- Nhà ông thường đi chợ, vậy có biết hàng hoá mắc hay rẻ không?
Hồi đó Cảnh công dùng nhiều hình phạt quá, nên Án Anh đáp:
- (Mọi vật giá đều) nhảy vọt lên
- Sao vậy?
- Vì hình phạt (chặt chân) nhiều quá.
Cảnh công kinh ngạc, biến sắc, bảo: “Quả nhân tàn bạo lắm ư?” rồi bớt bỏ
đi năm hình phạt.
*
Có người bảo: Án tử bảo giá nhảy vọt lên, không phải là nói thực, chỉ muốn
mượn lời đó khuyên vua đừng dùng nhiều hình phạt nữa. Đó là cái hại
không biết thuật trị nước. Hình phạt mà thích đáng, thì nhiều cũng vô hại,
nếu không thích đáng thì tuy ít cũng là hại. Án tử không giảng cho vua lẽ
thích đáng của hình phạt, mà chỉ chê là nhiều quá, đó là cái hại vô thuật.
Phạt quân thua trận thì đến số ngàn số trăm vẫn chưa ngăn được sự bại tẩu;
vậy thì dùng hình phạt để dẹp loạn, chỉ sợ không xuể mà kẻ gian hãy còn.
Án tử không xét là thích đáng hay không mà chỉ cho là nhiều quá chẳng là
bậy ư? Tiếc cỏ tranh thì làm cho hại lúa má, nhân từ với đạo tặc là làm hại
cho lương dân. Nay làm nhẹ hình phạt mà khoan dung tức là làm lợi cho kẻ