Có người bảo:
Câu trả lời của Trọng Ni là lời nói làm cho mất nước. Dân nước Nhiếp đã
có lòng phản bội mà còn khuyên Nhiếp Công làm cho người ở gần vui,
người ở xa tìm đến, như vậy là dạy cho dân chờ mong ân huệ. Dùng chính
sách gia ân đó thì kẻ không có công được thưởng, kẻ có tội được tha, mà
pháp độ sẽ bại hoại. Pháp độ bại hoại thì chính trị loạn, dùng chính trị loạn
để trị dân bại hoại, là việc chưa từng thấy thành công. Vả lại dân có lòng
phản bội là vì sự sáng suốt của vua có chỗ không thấu đáo. Không chỉ cho
Nhiếp Công thêm sáng suốt mà lại khuyên làm cho kẻ ở gần vui, kẻ ở xa
tìm đến, đó là không dùng quyền thế của mình để cấm mà cùng với bề tôi
tranh dân bằng ân huệ, như vậy làm sao giữ được quyền thế của mình (….)
Ai Công có bề tôi, ngoài thì ngăn cản (người nước khác đến), trong thì lập
bè đảng mê hoặc vua; vậy mà Trọng Ni lại khuyên ông lựa người hiền
không phải theo cách xét công nghiệp của người, chỉ chọn người lòng mình
cho là hiền thôi. Nếu Ai Công biết rằng ba đại thần của mình (tức Mạnh
Tôn, Thúc Tôn, Quí Tôn) ngoài thì ngăn cản kẻ sĩ các nước chư hầu, trong
thì kết bè đảng, thì ba người đó không đứng được một ngày nữa; chính vì
Ai Công không biết lựa người hiền, chỉ lựa người mà lòng ông cho là hiền,
nên họ mới được giao cho việc nước. Tử Khoái nước Yên cho Tử Chi là
hiền mà chê Tôn Khanh
cho nên phải chết nhục. Phù Sai cho thái tử Phỉ
là có trí, Tử Tư
là ngu cho nên bị nước Việt diệt. Vua Lỗ nhất định
không biết ai là hiền, mà lại khuyên ông lựa người hiền, tức là khiến ông bị
cái họa của Phù Sai và Tử Khoái nước Yên. Bậc minh quân không tự đề cử
bề tôi mà để cho bề tôi tự tiến thân (bằng cách lập công), không tự cho ai là
hiền mà xét ai tùy theo công nghiệp của người đó; bổ nhiệm họ để xét họ,
giao cho công việc để thử tài rồi phán đoán tùy theo kết quả, cho nên quần
thần ngay thẳng, không mưu lợi riêng, không giấu người hiền, không tiến
cử kẻ bất tiếu, như vậy vua đâu có khó nhọc về việc chọn người hiền?
Cảnh Công ban 100 cỗ xe cho bề tôi mà Trọng Ni khuyên ông phải tiết
kiệm tài sản, là không có thuật để phân biệt xa xỉ và tiết kiệm; vả lại riêng
vua phải kiệm ước thì đâu đủ tránh được sự nghèo. Ví dụ có ông vua lấy
lộc ngàn dặm để nuôi miệng mình thì dù Kiệt, Trụ cũng không xa xỉ bằng;