hoặc nước Tề rộng ba ngàn dặm mà Hoàn Công lấy lộc một nửa nước để tự
cung dưỡng thì là xa xỉ hơn Kiệt, Trụ. Nhưng Hoàn Công đứng đầu ngũ bá
chính là nhờ khi nào nên xa xỉ, khi nào nên tiết kiệm (…) Bậc minh quân
khiến cho bề tôi không lo việc riêng, cấm họ nhờ gian trá mà sống; bề tôi
nào tận lực làm việc thì tất biết, biết thì tất thưởng; bề tôi nào tham ô làm
việc riêng tư thì tất biết, biết thì tất phạt. Như vậy bề tôi trung sẽ hết lòng
với việc công, dân và kẻ sĩ hết sức với việc nhà, bách quan sẽ thanh liêm,
tự kiềm chế mình để phục vụ vua, và trong việc thưởng vua có xa xỉ gấp
hai Cảnh công cũng không hại gì cho nước. Vậy lời khuyên tiết kiệm tài
sản không phải là điều cần gấp cho Cảnh Công. Trọng Ni chỉ trả lời ba ông
Nhiếp công, Ai công, Cảnh công một câu này thôi là họ không lo gì nữa cả:
“Phải biết kẻ dưới”. Biết rõ người dưới thì cấm ngay từ khi ý gian mới
hiện, cấm như vậy thì sự gian không tích lũy, thì không có lòng làm phản.
Biết rõ người dưới thì thấy một cách tường tận, thấy tường tận thì sáng suốt
trong việc thưởng phạt, sáng suốt trong việc thưởng phạt thì nước không
nghèo. Cho nên tôi bảo rằng chỉ trả lời ba ông ấy một câu: “Phải biết kẻ
dưới” là họ không còn lo gì nữa.
*
5- Trị dân thì đừng cậy ở trí khôn của mình mà cứ theo pháp luật- Phải lấy
vật trị vật, lấy người trị người.
Tử Sản nước Trịnh sáng sớm ra đi, qua cửa phường Đông Tượng
nghe
tiếng một người đàn bà khóc, bèn vỗ vào tay người đánh xe, (bảo ngừng
lại), lắng tai nghe một lát rồi sai người thuộc hạ bắt người đàn bà đó, lại tra
hỏi thì ra mụ ta đã tự tay thắt cổ chồng. Hôm khác, người đánh xe hỏi ông:
“Ngài làm sao biết được?” Ông đáp: “Vì thấy tiếng khóc mụ đó run sợ.
Thường tình hễ người thân của mình mới đau thì mình lo lắng, khi sắp chết
thì mình run sợ, khi chết rồi thì mình đau xót. Mụ đó khóc chồng chết,
không đau xót mà run sợ, vì vậy mà biết có tình ý gian”.
*