để khỏi bị lụy về vật, ông không tin tri thức cùng sự suy nghĩ của mình,
không biết trước sau, đứng một mình một cõi..." Vậy là ông cùng một chủ
trương với Lão, Trang.
Tuân tử trong thiên Phi thập nhị tử sắp ông vào phái Pháp gia, chê ông quá
trọng "pháp" và "thế".
"Nói rằng trọng pháp mà chính mình lại không giữ pháp luật, cho việc tu
thân để trị quốc là thấp mà ưa bày đặt sinh sự, trên khiến được vua nghe
theo, dưới làm cho bọn thế tục vừa lòng, suốt ngày nói cùng dẫn văn trưng
điển, nhưng xét kỹ thì thấy bông lông xa vời, không đưa tới đâu, không
kiến thiết được quốc gia, chuẩn định được chế độ, vậy mà biện luận vẫn có
chứng cớ, bàn luận vẫn mạch lạc, đủ để gạt gẫm bọn ngu, đó là trường hợp
Thận Đáo và Điền Biền".
Nét chính trong tư tưởng ông là trọng "thế", mà hễ trọng thế thì tự nhiên
trọng pháp luật.
Theo Hàn Phi trong thiên Nạn thế, thì Thận Đáo bàn về "thế" như sau:
"Con phi long cưỡi mây (mà bay lên trời), con đằng xà (một loài rắn như
rồng, không có chân) chế ngự sương mù mà lượn trong đó. Mây tan, sương
tạnh rồi thì hai con đó cũng chỉ như con giun, con kiến vì mất chỗ dựa.
Người hiền mà chịu khuất kẻ bất tiếu là vì quyền (thế) nhẹ, (địa) vị thấp; kẻ
bất tiếu mà phục được người hiền là vì quyền trọng, vị cao. Nghiêu hồi còn
là dân thường thì không trị được ba người, mà Kiệt khi làm thiên tử thì có
thể làm loạn cả thiên hạ. Do đó tôi biết rằng quyền thế và địa vị đủ để nhờ
cậy được, mà bậc hiền, trí không đủ cho ta hâm mộ.
Cây ná yếu mà bắn được mũi tên lên cao là nhờ sức gió đưa đi, kẻ bất tiếu
mà lệnh ban ra được thi hành là nhờ sức giúp đỡ của quần chúng. Nghiêu
khi còn là kẻ lệ thuộc, đi giảng dạy thì dân không nghe; đến khi ngồi quay
mặt về phương Nam, làm vua thiên hạ, ban lệnh là người ta thi hành liền,
cấm đoán là người ta phải ngừng ngay. Do đó mà xét thì hiền và trí không
đủ cho đám đông phục tùng; mà quyền thế, địa vị đủ khuất phục được
người hiền.”
慎子曰:“飛龍乘雲,騰蛇遊霧,雲罷霧霽,而龍蛇與螾螘同矣,則
失其所乘也。賢人而詘於不肖者,則權輕位卑也;不肖而能服於賢