Nguyễn Hiến Lê & Giản Chi
Hàn Phi Tử
THIÊN III
NẠN NGÔN
(KHÓ NÓI)
Thần là Phi, không phải là khó nói. Sở dĩ khó nói là vì: lời nói xuôi tai, thân
mật, hoạt bát, trơn tru đẹp đẽ, có thứ tự thì bị xem là hoa mĩ, không thành
thực; lời nói đôn hậu, cung kính, cương trực, cố chấp thận trọng, chu đáo
thì bị xem là vụng về, mà lộn xộn; nói nhiều mà tường tận dẫn chứng, so
sánh đưa tỉ dụ bị xem là trống rỗng, vô dụng; lời nói tóm tắt, giản lược,
trình những phép chính mà không tô điểm thì bị xem là khái quát không rõ
ràng; lời nói đụng chạm tới người thân cận của vua và thấu đáo nhân tình
thì bị xem là lấn người, không khiêm nhượng; lời nói mênh mông, quảng
bác xa xôi, khó lường thì bị xem là khoe khoang, vô dụng; nói những
chuyện vặt trong nhà, đưa cả những con số ra thì thì bị xem là bỉ lậu; nói
mà hợp thế tục, tránh xa không làm phật ý người thì bị xem là tham sống,
nịnh bề trên, nói mà khác thế tục, không cận nhân tình thì bị xem là quái
đản; lời nói mẫn tiệp, hùng hồn nhiều văn vẻ thì bị xem là tô điểm, không
thành thật; bỏ hết văn hoa, cái chất phác nói thẳng sự việc ra thì bị xem là
quê mùa; thường dẫn thi thơ kinh điển, kể những phép tắc thời xưa thì bị
xem là chỉ biết tụng sách cổ. Đó là những lẽ làm cho thần là Phi khó nói mà
rất sợ sệt. Cho nên đồ đo lường tuy đúng vị tất đã được theo, nghĩa lý tuy
hoàn bị, vị tất đã được dùng. Nếu đại vương không tin lời thần muốn nói thì
(xin xem người đời xưa can vua), tội nhẹ thì bị hủy báng mà tội nặng thì bị
họa chết chóc đến mình
(Chúng tôi cắt bỏ đoạn giữa Hàn Phi dẫn chứng hơn một chục cổ nhân –
như Ngũ Tử Tư, Khổng Tử, Quản Trọng, Y Doãn, Văn Vương, Tỉ Can,
Tôn Tử, Ngô Khởi, Thương Ưởng….đều là “bậc hiền tài, trung lương, có
đạo thuật, vì chẳng may gặp một ông vua hung bạo, hôn ám mà phải chết”
Cuối cùng Hàn Phi kết luận:)