trọ phải có "thân phận chứng", tức như thẻ căn cước. Ông không có, chứa
ông tôi sẽ bị tội."
Thương quân đành phải trốn sang Ngụy, người Ngụy đuổi ông về Tần.
Cùng quá, ông liều trở về đất Thương, dùng binh đất Thương chống lại
triều đình, thất bại bị giết ở Thằng Trì (thuộc đất Trịnh). Thây ông bị "xa
liệt": cột đầu và tay chân vào 5 con ngựa, rồi đánh cho ngựa chạy về 5 phía.
Năm đó là năm -338; ông sống khoảng 50 tuổi. Người ghét ông, cho rằng
ông bị quả báo, nhưng người phục ông như Hàn Phi thương ông chết vì bổn
phận, vì lý tưởng.
Sách Hán chí chép rằng ông có soạn một bộ nhan đề Thương tử nay còn 24
thiên, nhưng theo các học giả gần đây thì bộ đó hoàn toàn của người sau
viết.
Chủ trương của ông là:
- Pháp luật phải rất nghiêm, ban bố khắp trong nước, và từ trên xuống dưới
ai cũng phải thi hành, không phân biệt giai cấp; pháp đã định rồi thì không
ai được bàn ra bàn vào nữa, không được "dùng lời khéo mà làm hại pháp",
nghĩa là làm sai ý nghĩa của pháp để tìm lợi cho mình.
- Tội dù nhẹ cũng phạt rất nặng, để cho dân sợ, mà sau khỏi phải dùng hình
phạt. Đó là cách "dùng hình phạt để trừ bỏ hình phạt" (Dĩ hình khử hình).
Tử Sản cũng đã chủ trương như vậy trước khi dặn Du Cát phải dùng hình
phạt cho thật nghiêm. Về việc thưởng, ông cho rằng làm điều thiện là bổn
phận của dân, không đáng thưởng; nhưng ông lại trọng thưởng bọn cáo
gian, đó là điểm mâu thuẫn. Hàn Phi rộng rãi hơn, bảo làm điều thiện cũng
đáng khuyến khích.
Ông bảo: "Nước sở dĩ được trọng, vua sở dĩ được tôn là nhờ sức mạnh" -
Mà muốn cho nước mạnh thì phải trọng nông và chiến, nông để nuôi chiến:
học thuật và cả công nghệ, thương mại ông cho là vô dụng, có hại cho
nước: "Có ngàn người dân làm việc nông, chiến, mà có một người đọc thi
thư, tranh biện nhau về trí tuệ, thì ngàn người kia đều hóa ra làm biếng về
nông chiến. Có trăm người dân làm việc nông, chiến mà có một người lo về
kỹ nghệ thì trăm người kia đều hoá ra làm biếng về việc nông chiến. Nước
nhờ nông, chiến mà yên, vua nhờ nông chiến mà được tôn".