Nguyễn Hiến Lê & Giản Chi
Hàn Phi Tử
PHẦN II - Chương 1
HÀN PHI: ĐỜI SỐNG VÀ TÁC PHẨM
ĐỜI SỐNG
Về tiểu sử Hàn Phi chúng ta chỉ có ba nguồn tài liệu: Chiến Quốc sách, Hàn
Phi Tử và Sử ký của Tư Mã Thiên; nhưng những tài liệu ấy đa số đều mập
mờ hoặc không đáng tin, có khi mâu thuẫn nhau nữa.
Trước hết chúng ta có thể gạt bỏ tài liệu trong Chiến Quốc sách, tức bài
Diệu Cổ đáp vua Tần (Tần - V.8- bản dịch của chúng tôi, nhà Lá Bối 1973)
vì Chiến Quốc sách không đáng coi là một tác phẩm về sử, (nhiều bài chỉ
có giá trị về văn học, về luận thuyết thôi, điều này chúng tôi đã trình bày
trong phần giới thiệu Chiến Quốc sách trang 40, nhất là bài Diệu Cổ đáp
vua Tần có giọng tiểu thuyết quá, không thể tin được). Đại khái truyện như
sau:
Hàn Phi thấy Diệu Cổ là người nước Ngụy, giúp vua Tần (Thủy Hoàng)
đắc lực được phong chức thượng khanh, mà ghen ghét, dèm pha, tấu với
vua Tần: "Cổ đem châu báu, phía Nam đi sứ Kinh (tức nước Sở), Ngô, phía
Bắc đi sứ Yên, Đại. Ba năm sau, tình giao thiệp với các nước vị tất dùng
quyền của đại vương, bảo vật của quốc gia mà tự kết giao với chư hầu xin
đại vương xét lại. Vả lại tên lính giữ cửa của nước Lương đó đã ăn cướp ở
Lương, lại có lần làm bề tôi ở Triệu mà bị đuổi (...) mà đem bàn việc xã tắc
với hắn thì còn đâu cái nghiêm khắc đối với quần thần"
Vua Tần bèn vời Diệu Cổ vô hỏi. Cổ nhận hết, nhưng bảo Thái Công Vọng,
Quản Trọng, Bách Lý Hề đều xấu xa đê tiện vì Thái Công Vọng có lúc làm
tên đồ tể, Quản Trọng vốn là một con buôn tham bỉ, Bách Lý Hề là một tên
ăn xin ở đất Ngu, vậy mà vua Văn vương, vua Tề Hoàn công, vua Tần Mục
công vẫn dùng họ mà nhờ họ lập được nghiệp vương, nghiệp bá, còn hạng
cao khìết như các ẩn sỹ Biện Thùy, Vụ Quang, Thân Đồ Địch thì không vua
nào dùng được, nên họ chẳng giúp gì cho xã tắc. Vậy là khi dùng người,