tử? Rốt cuộc là Hàn chết vì yêu nước hay vì bị gièm pha? Chúng tôi nghĩ
rằng có thể vì cả hai: Lí Tư có thể vô tình, buột miệng ra mà bảo tác giả là
Hàn Phi, không ngờ rằng sau Hàn Phi đi sứ qua Tần, mà vua Tần được gặp
rồi thích; rồi tới khi Hàn Phi thuyết phục vua Tần duy trì Hàn, trái với chủ
trương của Lí Tư thì tất nhiên phải bác, gièm pha Hàn là tô điểm lời nói để
che đậy mưu gian, vì nếu vua Tần nghe mà Tần và Hàn thân thiết với nhau
thì lợi cho Hàn, nhất là cho Phi vì Phi sẽ được trọng dụng.
Nhưng truyện vua Tần thích văn của Hàn Phi tới nỗi than rằng được gặp thì
chết cũng không hận, có đáng tin không đã? Chúng tôi ngờ rằng chỉ là một
giai thoại cho vui thôi, vì Tư Mã Thiên đã mâu thuẫn với chính ông. Trong
tiểu sử Hàn Phi đó, ông bảo vua Tần đọc hai thiên Cô phẫn và Ngũ đố
trước khi gặp Hàn Phi; rồi cuối bộ Sử kí, trong thiên 130 Thái sử công, tự
ông lại bảo “Hàn Phi bị giam ở Tần nên mới viết hai thiên Thuế Nan và Cô
Phẫn”. Vậy thì thiên Cô Phẫn viết lúc nào? Trước khi Hàn Phi qua Tần hay
khi Hàn Phi (chỗ này chắc sắp chữ thiếu) chỉ là một giai thoại, như vậy cái
chết của Hàn Phi rất dễ hiểu: Lí Tư sợ thuyết của Hàn Phi làm trở ngại chủ
trương của mình nên mới tìm cách hại Hàn Phi, và Hàn Phi chết vì có tài
bênh vực cho tổ quốc.
Tinh thần ái quốc của Hàn Phi thật đáng khen, chúng tôi đã có lần nói
(trong Chiến Quốc sách) rằng quan niệm quốc gia của người Trung Hoa
thời Xuân thu và Chiến quốc không như quan niệm của chúng ta ngày nay.
Thời đó tuy Trung Hoa chia làm nhiều nước, phong tục, ngôn ngữ, y phục
một số nước ở phương Bắc (như Yên, Triệu) rất khác một số nước ở
phương Nam (như Sở, Việt), một số nước ở phương Đông (như Tề, Lỗ)
cũng rất khác một nước ở phương Tây (như Tần) nhưng hết thẩy đều tôn
nhà Chu là thiên tử, tự mình cùng là chư hầu cả - ít nhất trên danh nghĩa và
cho tới giữa đời Chiến quốc –vì vậy một triết gia hay một kẻ sĩ ở này,
không được vua mình trọng dụng vẫn thường đi nước khác tìm một “minh
quân” để thờ, coi mọi người trong “thiên hạ” là dân của nhà Chu[7] đều là
anh em với nhau cả; Khổng Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử…..đều như vậy hết, nói
gì tới Tô Tần, Trương Nghi, Thái Trạch…….
Đọc Hàn Phi Tử, chúng ta thấy Hàn có một lí tưởng rõ rệt: giúp các ông