đánh, cả vua Yên lẫn Tử Chi đều bị giết.
“Người không biết cách trị nước tất bảo: “Không biến cổ, không đổi tập
tục”. Thánh nhân không nhất định phải biến đổi hay không biến đổi, miễn
việc trị nước được thích nghi mà thôi”
不知治者,必曰:“毋變古,毋易常”。變与不變,聖人不聽,正治而
已
(Bất tri trị giả tất viết: Vô biến cổ, vô dịch thường. Biến dữ bất biến, thánh
nhân bất thính, chính trị nhất dĩ). Y Doãn không biến đổi nhà Ân, Thái
công không biến đổi nhà Chu thì vua Thang vua Võ đâu lập được nghiệp
vương. Quản Trọng không biến đổi nước Tề, Quách Yển không biến đổi
nước Tấn thì Tề Hoàn công và Tấn Văn công đâu lập được nghiệp bá”
(Nam diện).
Thời Hàn Phi, sau những cuộc tấn công mạnh bạo của Lí Khôi, Ngô Khởi,
Thân Bất Hại, Thương Ưởng vào giai cấp quí tộc cũ, trong cái khí thế
đương lên của bọn biện sĩ Tô Tần, Trương Nghi, chắc có ít vua chúa và
chính khách nào chủ trương phục cổ. Ngay đến Nho gia cuối cùng của thời
đại là Tuân Tử cũng không “pháp tiên vương” mà “pháp hậu vương” –
nghĩa là không theo pháp độ của các vua thời xa xăm về trước mà theo
pháp độ của các vua gần Tuân hơn như từ các vua đầu đời Chu trở đi –
cũng đả đảo chế độ thế tập; dù là con cháu các Vương công mà không có
tài có đức, không thuộc lễ nghĩa, thì cũng phải làm thường dân, con thường
dân có tài có đức thì cũng được làm khanh tướng, đại phu. Nhưng cũng còn
một bọn quân sư và nhiều xử sĩ không lãnh trách nhiệm gì ở triều đình vẫn
đề cao thời Nghiêu Thuấn, viện dẫn lời Nghiêu Thuấn để mạt sát thời hiện
tại, làm ngăn trở một phần công việc cải cách của các kẻ sĩ chủ trương dùng
pháp thuật chứ không dùng nhân nghĩa, nên Hàn Phi rất ghét bọn đó. Trong
Hàn Phi tử có trên chục lần ông lớn tiếng mắng mỏ họ, mỉa mai họ và ngọn
bút của ông luôn luôn sắc bén.
Trong thiên Hiển Học, ông bảo các việc viện dẫn Nghiêu Thuấn là vô căn
cứ, nếu không phải là ngu thì là lừa gạt:
“Khổng tử và Mặc tử đều xưng tụng Nghiêu Thuấn mà chủ trương khác
nhau và đều tự cho là chân truyền của Nghiêu Thuấn. Nghiêu Thuấn đã