óc thực tế, không bàn về tính như Mạnh tử, Tuân tử. Chúng ta chỉ biết theo
ông thì con người thời thượng cổ chất phác, thân với nhau, trọng đức hơn
thời trung cổ, và người thời trung cổ lại hơn người thời ông. Vậy có thực
ông chủ trương rằng bản tính con người thời nguyên thuỷ vốn tốt rồi sau vì
hoàn cảnh xã hội mà hoá xấu không? Ông không hề giảng rõ điều đó cho
ta. Mặt khác, ông lại bảo trừ một số ít thánh nhân, còn thì hạng thường
nhân
- tranh nhau vì lợi
- làm biếng, khi có dư ăn rồi thì không muốn làm gì nữa.
- chỉ phục tòng quyền lực
Vậy thì cơ hồ ông cho rằng con người có một số rất ít tính vốn thiện, còn
đại đa số tính vốn ác, ông thiên về Tuân, nhưng cũng nhận Mạnh có lí phần
nào chăng?
Về tính ham lợi, ông bi quan thái quá, cho rằng ngay giữa cha con vợ
chồng chớ đừng nói giữa vua tôi, bạn bè, người ta hành động, cư xử với
nhau cũng chỉ vì tư lợi.
“Cha mẹ không săn sóc con kĩ khi nó còn nhỏ thì lớn lên nó oán mình. Con
được nuôi cho thành người rồi mà cung dưỡng cha mẹ không được hậu thì
cha mẹ giận oán trách nó. Cha con là tình chí thân mà có khi còn trách
nhau, oán nhau là do ai nấy đều muốn cho người khác phải vì mình (cha
muốn con phải vì cha, con muốn cho cha phải vì con), chứ không muốn cho
mỗi người phải vì bản thân người đó thôi”
人爲嬰兒也、父母養之簡, 子長而怨; 子盛壯成人, 其供養薄, 父母怒而
誚之. 子·父, 至親也, 而或譙或怨者, 皆挾相爲而不周於爲己也
(Nhân vi anh nhi dã, phụ mẫu dưỡng chi giản, tử trưởng nhi oán. Tử thịnh
tráng thành nhân, kì cung dưỡng bạc, phụ mẫu bộ nhi tiếu chi. Phụ tử chí
thân dã nhi hoặc tiếu hoặc oán giả, giai hiệp tương vị nhi bất chu ư vị kỉ dã
– Ngoại trừ thuyết tả thượng).
Rồi Hàn so sánh với việc chủ nuôi thợ:
“Mướn người gieo mạ, cày ruộng cho mình thì người chủ không ngại phí
tổn mà cho họ ăn ngon, lại còn lựa tiền, vải tốt mà trả công cho họ, như vậy
không phải vì yêu thương họ đâu mà vì nghĩ: “Có vậy họ cày mới sâu, cào