Tay thanh niên dừng lại ở một con ngõ và bằng một chuyển động cực kỳ
lộ liễu, cậu ta rẽ ngoặt ở góc đường rồi biến mất.
Kohl ngẫu nhiên tiến lên phía trước rồi dừng lại như thể nghiên cứu kỹ
thực đơn được dán lên. Sau đó, ông di chuyển đến gần hơn, cảm thấy khó
chịu, cảm thấy cả sức nặng khẩu súng lục ổ quay trong túi. Cho đến chừng
nào Chủ nghĩa Phát xít còn nắm quyền, chỉ một vài thanh tra Cảnh sát được
mang vũ khí. Nhưng vài năm trước, khi Bộ trưởng Bộ Nội vụ hồi đó là
Göring, đã mở rộng nhiều lực lượng cảnh sát trong nước, hắn ra lệnh từng
cảnh sát viên phải mang vũ khí. Và trước sự kinh hoàng của Kohl cùng các
đồng nghiệp của ông tại Sở Cảnh sát, hắn cho phép dùng súng một cách tự
do. Hắn thực sự còn ban ra cả một sắc lệnh rằng, một cảnh sát sẽ bị khiển
trách nếu bắn trượt nghi phạm, nhưng chẳng hề hấn gì nếu bắn một người
hoàn toàn vô tội.
Willi Kohl chưa bắn phát súng nào kể từ năm 1918.
Thế nhưng hình dung ra cái sọ vỡ nát của nạn nhân tại ngõ Dresden, lúc
này ông thấy vui rằng mình có mang theo súng. Kohl chỉnh lại áo vest để
chắc chắn ông có thể chộp lấy súng thật nhanh khi cần và hít một hơi sâu.
Ông tiến qua bậu cửa.
Rồi đứng đó lạnh người như tượng, hốt hoảng. Nội thất của Khu Vườn
Mùa Hạ hoàn toàn tối om, đôi mắt ông đã quen nhìn ánh mặt trời chói
chang bên ngoài, nhất thời ông bị mù. Ngu thật, ông nghĩ, tức giận với
chính mình. Lẽ ra ông phải tính tới điều này. Ông đang đứng đây với hai
chữ “Cảnh sát” khắc trên trán, một mục tiêu rõ ràng đối với một nghi phạm
có vũ khí.
Ông bước sâu hơn vào trong, đóng cửa lại sau lưng. Trong tầm nhìn mờ
mờ, mọi người di chuyển khắp nhà hàng. Ông tin rằng vài nam giới đang
đứng. Ai đó đang di chuyển về phía ông.
Kohl bước lùi lại, cảnh giác. Bàn tay ông lần đến túi áo có khẩu súng.
“Ngài chọn bàn chưa ạ? Ngài ngồi đâu cũng được ạ.”
Ông liếc mắt, tầm nhìn của ông từ từ trờ lại.
“Thưa ngài?” tay bồi bàn lặp lại.
“Không,” ông đáp. “Tôi đang tìm người.”