“Vâng, thưa sếp. Anh ta đến trước. Sau đó một người khác đến. Nhỏ
nhắn hơn nhiều. Mặc vest xám đen hoặc xám sẫm. Tôi không nhớ cà vạt
của ông ta. Rồi lại một người nữa đến, mặc áo liền quần màu nâu, tầm ba
mươi tuổi. Có vẻ là một công nhân. Anh ta là người đến sau cùng.”
“Người to lớn có mang theo va li da hay ba lô không?”’
“Có. Nó màu nâu.”
“Những người đi cùng cũng nói tiếng Đức à?”
“Vâng.”
“Cậu có nghe lỏm được họ nói chuyện gì không?”
“Không, thưa Thanh tra.”
“Còn khuôn mặt hắn? Người đội mũ?” Janssen hỏi.
Một thoáng ngập ngừng. “Tôi không nhìn thấy mặt anh ta hay của những
người đi cùng.”
“Cậu phục vụ họ mà không thấy mặt họ sao?” Kohl hỏi.
“Tôi không hề chú ý. Trong đây tối lắm, như ông có thể thấy. Và trong
nghề này… có quá nhiều người. Nhìn nhưng hiếm khi thấy lắm, nếu ông
hiểu ý tôi.”
Đúng thật, Kohl cho là vậy. Nhưng ông cũng biết rằng kể từ khi Hitler
lên nắm quyền ba năm trước, mù lòa đã trở thành quốc nạn. Dân chúng
hoặc đi tố cáo vài người vì những “tội ác” mình không chứng kiến, hoặc
giả không thể nhớ lại các chi tiết những tội trạng họ đã thực sự thấy. Biết
quá nhiều có thể đồng nghĩa với một chuyến đi đến Alex - trụ sở Cảnh sát -
hoặc trụ sở Gestapo trên phố Prince Albretcht xem hàng lố ảnh nghi phạm
nổi tiếng đến bất tận. Không ai sẵn sàng đi đến cả hai nơi này, những nhân
chứng hôm nay có thể biến thành kẻ bị tình nghi vào ngày mai.
Đôi mắt tay bồi bàn nhìn cắm xuống sàn, lo lắng. Mồ hôi vã ra trên trán.
Kohl thấy tiếc cho cậu ta. “Có lẽ liên quan đến mô tả mặt hắn ta, cậu có thể
cung cấp cho chúng tôi vài quan sát khác, để cậu khỏi phải đến trụ sở cảnh
sát. Nếu cậu vô tình nghĩ ra điều gì đó có ích.”
Cậu ta ngước mắt lên, nhẹ cả người.
“Tôi sẽ cố gắng hỗ trợ cậu,” thanh tra nói. “Hãy cùng bắt đầu với vài chi
tiết cụ thể. Hắn ăn gì và uống gì?”