“Anh ta thì thầm gì đó với Taggert, trông hắn lo lắng và bảo rằng chúng
tôi phải lượn.” Một cái nhăn mày, gã dịch sang tiếng Đức một câu thành
ngữ tiếng Anh. “Ý tôi là phải bỏ đi thật nhanh. Người bạn này nghĩ rằng có
tên Gestapo nào đó, hoặc cái gì đó quanh đây và Taggert đồng ý. Chúng tôi
ra ngoài bằng cửa ngách. Tôi sau đó lẽ ra phải đoán được rằng chuyện này
không đúng. Nhưng đó như một cuộc phiêu lưu, ông biết đấy. Đây là thứ
tôi đang tìm cho những bài viết của tôi.”
“Chất liệu địa phương,” Kohl chậm rãi nói, tự nhủ một lời nói dối trắng
trợn sẽ trở nên dễ tin hơn nhiều, nếu kẻ nói dối cung cấp những sự thật nhỏ
nhoi. “Cậu còn gặp gỡ tên Taggert này vào lúc nào khác nữa không?” Hất
đầu về phía xác chết. “Trừ hôm nay, đương nhiên rồi?” Kohl tự hỏi liệu gã
có thừa nhận đến Quảng trường Tháng 11 Năm 1923 không.
“Có,” Schumann đáp. “Sau ngày hôm đó ở một quảng trường. Một khu
tồi tệ. Gần Nhà ga Oranienburger. Bên cạnh một pho tượng Hitler. Chúng
tôi sẽ gặp gỡ vài mối liên hệ khác. Nhưng người đó không bao giờ đến.”
“Và hai người cũng ‘lượn’ nhanh khỏi đó.”
“Đúng. Taggert lại thấy hoảng sợ. Rõ ràng có điều gì đó đã mất. Đó là
khi tôi quyết định tốt hơn nên cắt đứt quan hệ với người này.”
“Đã xảy ra chuyện gì,” Kohl hỏi nhanh, “với cái mũ Stetson của cậu?”
Một ánh mắt lo lắng. “À, tôi sẽ nói thật, Thanh tra Kohl. Tôi đã đi bộ
xuống phố và trông thấy vài tên…” Một sự ngập ngừng khi lựa chọn từ
ngữ. “Những con thú… những kẻ khó nhằn?”
“Phải, những tên du côn.”
“Mặc đồng phục nâu.”
“Lính Xung Kích.”
“Những tên du côn,” Schumann nói với vẻ ghê tởm nào đó. “Chúng đang
đánh đập một người bán sách cùng vợ ông ta. Tôi nghĩ những tên này sắp
giết họ, nên tôi chặn chúng lại. Điều tiếp theo tôi biết là có một tá tên đuổi
theo tôi. Tôi ném đi bớt quần áo, vùi xuống cống để chúng không nhận ra
tôi.”
Người này rất dẻo dai, Kohl nghĩ. Và thông minh nữa.
“Ông sẽ bắt giữ tôi vì đánh đập vài thằng Phát xít của ông à?”