nào công việc của nạn nhân trong Đảng, hoặc cho Chính phủ, mới là động
cơ cho cái chết của anh ta?
“Thú vị,” Kohl nói, khó nhọc đứng lên. “Kẻ sát nhân bắn chết một người
đàn ông tại một nơi đông đúc trong thành phố. Hắn ta biết ai đấy có thể
nghe thấy tiếng súng, thế nhưng vẫn bất chấp rủi ro bị phát hiện để tước hết
các huy hiệu trên quần áo nạn nhân. Điều này khiến tôi càng háo hức muốn
được biết quý ông bất hạnh này là ai. Lấy dấu vân tay anh ta đi, Janssen.
Nếu đợi nhân viên điều tra cái chết bất thường làm việc đó, sẽ phải đợi đến
thiên thu đấy.”
“Rõ, thưa sếp.” Tay sĩ quan mở va li của mình, lấy thiết bị ra rồi bắt đầu
làm việc.
Kohl nhìn chằm chằm mặt đường đá cuội. “Tôi đang nói ‘kẻ sát nhân,’
ngôi số ít, Janssen ạ. Nhưng có thể là mười hai tên. Nhưng tôi không thấy
được dấu tích của sự kiện này trên mặt đất.” Tại các hiện trường tội ác rộng
lớn hơn, cơn gió mạnh mẽ trứ danh của Berlin hẳn sẽ trải lớp bụi tố cáo
trên mặt đất. Nhưng trong con ngõ kín đáo này thì không.
“Thưa Ngài… Thanh tra,” viên sĩ quan Cảnh sát đô thị gọi. “Tôi không
thể tìm thấy vỏ đạn ở đây. Tôi đã tìm khắp cả chỗ này rồi.”
Thông tin này khiến Kohl buồn lòng, Janssen nắm bắt được biếu hiện
của ông.
“Đó là vì,” thanh tra giải thích, “hắn ta không chỉ cắt bỏ hết huy hiệu trên
người nạn nhân này, mà còn có thời gian tìm ra vỏ đạn nữa.”
“Vậy thì hắn là tay chuyên nghiệp.”
“Như tôi đã nói, Janssen. Khi tiến hành những phép loại trừ, đừng bao
giờ tuyên bố các kết luận của cậu như thể những kết luận chắc chắn. Khi
cậu làm thế, tư duy của cậu theo bản năng sẽ loại trừ hết những khả năng
khác. Thay vào đó hãy nói rằng nghi phạm của chúng ta có thể có trí thông
minh cao, hay chú ý đến tiểu tiết. Có thể là tội phạm chuyên nghiệp, có thể
không. Cũng có thể do chuột hay chim đã tha mẩu kim loại ấy đi, hoặc một
thằng nhóc học sinh nào đó nhặt nó lên, rồi chuồn thẳng khi nhìn thấy một
người chết. Hoặc thậm chí kẻ sát nhân là một người nghèo mong muốn tái
sử dụng kim loại đồng.”