ta lắp kính, cánh tay phải buông thõng vô dụng một bên người. Một trong
số bốn triệu người sống sót qua Thế Chiến thứ I, nhưng cơ thể họ mãi mãi
bị thay đổi do trải nghiệm không thể hiểu nổi.
Viên sĩ quan đẩy anh ta về phía Kohl.
“Thế được rồi, Sĩ quan,” thanh tra nghiêm khắc nói. “Cảm ơn.” Quay về
phía nhân chứng, ông hỏi, “Cho tôi xem thẻ của anh.”
Người đàn ông trình chứng minh thư, Kohl liếc nhìn. Ngay khi trả lại,
ông đã quên toàn bộ nội dung của nó, nhưng việc xem xét chiếu lệ giấy tờ
của viên sĩ quan cảnh sát, lại khiến nhân chứng tỏ ra cực kỳ hợp tác.
Cho dù không phải trường hợp nào cũng thế.
“Tôi muốn trở nên có ích. Nhưng như tôi đã nói với cậu sĩ quan, thưa
sếp. Thực sự tôi không thấy nhiều chi tiết đâu.” Nói rồi anh ta im lặng.
“Rồi, rồi, nói tôi nghe anh đã thực sự thấy gì.” Một cử chi sốt ruột từ bàn
tay mập mạp của Kohl.
“Vâng, Thanh tra. Tôi đang cọ rửa các cầu thang tầng hầm trên phố 48.
Đằng kia.” Anh ta chỉ ra ngoài con ngõ đến một ngôi nhà trên phố. “Như
ông có thể thấy. Tôi đang đứng thấp hơn vỉa hè, thì nghe thấy âm thanh mà
tôi cho là tiếng nổ sớm.”
Kohl càu nhàu. Kể từ năm 1933 chẳng còn ai, ngoại trừ những thằng ngu
mới cho đó là tiếng nổ sớm, họ phải giả sử đó là những viên đạn.
“Tôi không nghĩ đến nó và tiếp tục cọ rửa.” Anh ta chứng minh điều này
bằng cách chỉ tay vào áo sơ mi và quần dài ẩm ướt. “Rồi mười phút sau tôi
nghe thấy một tiếng huýt sáo.”
“Huýt sáo? Tiếng huýt sáo của cảnh sát à?”
“Không, thưa sếp. Ý tôi là như ai đó thổi qua kẽ răng vậy. Nghe to lắm.
Tôi ngước mắt lên thấy một người đàn ông bước ra từ con ngõ. Tiếng huýt
sáo là để gọi taxi. Nó dừng lại ngay trước tòa nhà của tôi. Tôi nghe thấy
người đàn ông đề nghị tài xế đưa anh ta đến nhà hàng Khu Vườn Mùa Hạ.”
Huýt sáo? Kohl tự nhủ. Chuyện này không bình thường. Nhưng gọi taxi
theo cách này sẽ là thiếu tôn trọng tài xế. Tại Đức, tất cả các nghề nghiệp,
ngành kinh doanh đều xứng đáng được tôn trọng như nhau. Phải chăng điều