ta phải đối diện với những sự kiện chung quanh. Có những điều thích ý vừa lòng, có
những điều trái ý nghịch lòng. Nếu chúng ta không tỉnh táo thì khi gặp việc trái ý, có thể
chúng ta làm hỏng mất lòng cung kính hay làm mất đi tinh thần hiếu hạnh, hiếu đạo đối
với cha mẹ. Mà trong cuộc sống thì những điều không như ý nhiều hơn là như ý. Những
điều bất như ý luôn luôn làm cho mình bực bội không vui, có khi mất ăn mất ngủ… Do
đó rất dễ sanh lỗi lầm với cha mẹ.
Tinh thần hiếu đạo dạy chúng ta phải luôn luôn thương kính cha mẹ hết sức thành
thực. Tình thương đó không có dụng ý gì, không có sự sắp xếp nào trong lòng chúng ta
cả. Cũng như khi mẹ chúng ta sinh chúng ta, hoặc cha chúng ta chạy ngược, chạy xuôi để
có phương tiện nuôi nấng dạy dỗ chúng ta, những bậc song thân này trong lòng không hề
có một toan tính gì cả. Sanh con, nuôi con, cho con đi học là muốn con được nên người.
Nuôi dạy con bất cứ một điều gì thì cũng dốc lòng lo lắng, mong mỏi con mình sẽ thành
người tốt, sẽ là người có công hạnh giúp ích cho gia đình và cho xã hội v.v… Tấm lòng
của cha mẹ như thế. Bây giờ chúng ta báo đáp lại công ơn cha mẹ cũng vậy. Nếu trong
lòng chúng ta có một chút toan tính, giống như trao đổi hai chiều, thì đạo hiếu không
thành. Tất cả người con Phật chúng ta tự tâm làm bổn phận hiếu hạnh, hiếu đạo của mình
đối với cha mẹ thìø trong lòng vui vẻ, an ổn. Làm việc này bằng tất cả lòng thành, và làm
một cách hết sức hồn nhiên. Đó là những điều chúng ta cần phải biết và luôn luôn ghi nhớ.
Bởi vì cuộc sống không phải lúc nào cũng bình thường. Có khi khỏe mạnh, cũng
có hồi đau yếu. Đau yếu thường thì không khó khăn gì. Đưa đi bác sĩ, uống một ít thuốc
rồi mạnh. Nhưng lỡ cha mẹ mang bệnh trầm kha, đòi hỏi phải tháng năm dài, tốn kém
nhiều, mất thì giờ hoặc có khi mất cả công ăn việc làm. Gặp phải tình huống như vậy,
chúng ta có vui lòng báo đáp hay không? Hay chúng ta phàn nàn, tỏ vẻ mệt nhọc, uể oải,
chán nản, bực bội, rồi có khi chúng ta thốt ra những lời bất kính, những thái độ trái đạo.
Phút giây nào chúng ta không tự chủ được thì niệm bất kính khởi ra ngay. Mà đã có
những niệm bất kính rồi thì chúng ta chưa thể gọi là báo đền thâm ân đối với cha mẹ.
Đó là nói khi cha mẹ sinh tiền chịu nhiều bệnh tật. Rồi đến khi qua đời, nhà Nho
dạy rằng: “Tang sự phải rất là thương xót, tế lễ phải rất là trang nghiêm”. Chỗ này nói
rộng ra một chút để chúng ta nghiệm xét. Vì theo những quan niệm sinh hoạt của xóm