ra chiều sốt sắng và có ý bao bọc. Những nhóm dân mỏ, sống cơ cực ở
Appalachia được “phát hiện” trong cuốn sách thuộc hàng bán chạy xuất bản
năm 1962 của Michael Harrington, The Other America (tạm dịch: Một
nước Mỹ khác). Harrington dựng lên cho đất nước này một “tai họa” ngầm
ẩn từ trước mà một quốc gia mới giàu sẽ không đủ sức để chống chịu. Tuy
vậy, đối với tầng lớp trung lưu, đi xe điện ngầm ở thành thị, họ lại thấy như
Harrington đang viết về một bộ lạc bí ẩn nào đó gồm những con người lạc
hậu, sống bên ngoài thời gian và chẳng hiểu gì về nước tăng lực Tang hay
cà phê hòa tan.
Thế nhưng, bên cạnh đó, hình ảnh dân nhà quê cũng còn được sử dụng
như một thứ vũ khí dân túy để chống lại ý hệ đang nổi lên. Để tạo nên
giọng châm biếm xã hội chua cay trong loạt truyện tranh Li’l Abner ra đời
trong thập niên 1930, Al Capp đã cường điệu hóa sự thô kệch của dân nhà
quê. Elvis Presley, một tay nhà quê nghèo ở Mississippi (và về sau là
Tennessee) đã đưa âm nhạc của người da đen tới các khán giả da trắng, từ
hắn ta tỏa ra một bản năng tính dục đậm chất nguyên thủy kích động đám
con gái và làm cho lũ con trai mải mê tìm kiếm các đĩa nhạc rock-and-roll.
Với vẻ phóng khoáng đầy tự do và màn trình diễn khêu gợi, hình ảnh huyền
thoại Presley ngầm thể hiện rằng, người ta có thể tìm thấy những người đàn
ông đích thực ở làng quê, xa khỏi những quy tắc mới khiến con người ta
bạc nhược của cuộc sống chốn ngoại ô.
Năm 1962, CBS tung ra bộ phim sitcom The Beverly Hillbillies (Những
kẻ nhà quê ở Beverly), mà về sau đã trở thành chương trình truyền hình
được ưa chuộng hàng thứ hai của thập niên 1960. Những tập phim theo
cùng công thức xoay quanh cuộc gặp gỡ của gia đình Clampett với những
nhân vật thuộc giới tinh hoa của đất nước, đặc biệt là lão chủ nhà băng –
lão Milburn Drysdale rắn đanh và quỷ quyệt. Sự tương phản hoàn toàn
trong các tương tác này cho thấy nhà Clampett không hề có kiểu xảo trá, tự
phụ hay tuân thủ theo một phép tắc xã giao nào. Điều khiến chương trình
mang tính giải trí và gây được cảm giác thích thú là ở chỗ, gia đình
Clampett, dù sống giữa trung tâm của chốn giàu sang, nhưng lại chẳng hề