là đĩa mềm, vài năm sau USB mới trở nên thịnh hành). Đến lúc về đến nhà
tôi mới nhớ ra là mình quên chưa trả khăn cho anh, lại phải lén lén lút lút
mang vào nhà và giấu trong cặp, chứ để mẹ mà nhìn thấy kiểu gì cũng lại
ăn một phen chất vấn tới toát mồ hôi, nhất là đây còn là khăn của con trai
nữa chứ. Mà những gì thuộc về phái nam thì ngoại tôi với mẹ tôi thính tai,
nhanh mắt lắm, liếc cái là nghi ngờ luôn.
Đến hôm sau, khi tôi trả khăn cho Quang Anh, anh lại bảo:
“Tặng em luôn đấy. Để mà quàng cổ cho ấm. Hôm nào học đan đi rồi
đan tặng lại cho anh một cái khăn khác là được rồi.”
Đứa vụng về tay chân như tôi, nói tới chuyện đan khăn đúng là nói một
chuyện siêu tưởng. Tôi đành giữ lại cái khăn, mỗi lần đi học đều quàng lên
cổ sau đó nhét vào bên trong áo khoác đồng phục, kéo cao cổ áo rồi mới
dám bước ra khỏi buồng. Mỗi lần giặt khăn tôi chỉ còn có nước giặt lén lén
lút lút rồi nhờ cái Linh phơi trên trần nhà nó, khô mới lại lấy về. Cái khăn
này tôi giữ đến mãi sau này, mùa đông nào cũng đem ra quàng, như nhắc
tôi không ngừng hy vọng rằng câu cửa miệng người ta hay nói ”khăn chia
ảnh lìa” chỉ là một câu võ đoán, rằng người tôi chờ đợi rồi cũng sẽ quay về
bên tôi.