Tôi rút một mồi rơm, châm lửa, chỉ vài phút sau khói đã xộc vào mắt mũi
cay sè, cả căn bếp cũng ấm hơn một chút. Chị tôi vẫn lặng lẽ ăn cơm, còn
tôi tựa cằm lên đầu gối, mắt nhìn chằm chặp vào ngọn lửa bùng bùng trước
mắt, chẳng ai nói với ai câu gì.
Lúc nước reo thì chị tôi cũng đã ăn hết bát cơm nguội ngắt và cũng đã
rửa bát xong, sau đó bước lên nhà. Khi tôi xách siêu nước lên để rót vào
phích chị đã đeo ba lô lên lưng, mặc được cái áo mưa ni lông mỏng lên
người, đầu đội nón, chuẩn bị dắt xe đạp ra. Từ trong buồng, mẹ tôi bước ra,
hỏi:
“Đi sớm thế con?”
“Vâng. Con lên sớm chiều còn thi.”
“Đợi trời sáng đi, trời mưa đường trơn lắm.”
“Con không đi lối đê nên không sao đâu. Thôi, con đi đây ạ!” Chị đáp và
dắt vội cái xe ra ngoài.
Ra đến sân, chị cứ tần ngần, ngẩng lên rồi lại cúi xuống, sau cùng cũng
dắt xe ra ngõ. Tôi mang chìa khóa ra mở cổng cho chị, chị ngồi lên yên xe,
trước khi đạp xe đi còn quay lại dặn:
“Thôi, chị đi đây.”
Tôi thật sự rất muốn hỏi xem chị có ổn không, nhưng rồi lại thôi. Cứ thế,
bóng tối dần nuốt chửng cái dáng lầm lũi đạp xe trong mưa của chị. Một cái
gì đó lạnh lẽo rơi vào trái tim tôi. Tôi hắt hơi một cái nữa, run rẩy đi về
nhà.
Mưa cả đêm tới sáng thì tạnh hẳn. Sáng ra, lúc đi học, mũi tôi đã đỏ như
quả cà chua, đến tiết thứ ba tôi bị sốt, phải xuống phòng bác bảo vệ nằm
nghỉ. Có lẽ do sáng sớm nay ra tôi đã mặc phong phanh nên bị nhiễm lạnh.
Giờ ra chơi, Quang Anh mang theo vẻ mặt nửa u ám, nửa lo lắng xuống
thăm tôi. Anh đặt tay lên cái trán hầm hập nóng của tôi, bàn tay anh mát
lạnh. Không hiểu sao, những lúc cơ thể suy nhược thế này, trái tim người ta
cũng trở nên yếu đuối hơn bao giờ hết. Nhìn vào hốc mắt đỏ ửng vì sốt và
vì thiếu ngủ của tôi, Quang Anh chau mày rồi khẽ trách: