nói thẳng với chị điều mình suy nghĩ:
“Chị đừng bỏ đứa bé, tội nghiệp lắm.”
Chị nhìn tôi, vành mắt lại nhanh chóng đỏ lên. Chị khẽ lắc đầu:
“Con người chứ có phải đồ vật đâu mà nói bỏ là bỏ được.”
“Vậy chị cũng đừng bỏ đi. Nếu không mẹ với ngoại sẽ rất lo lắng.”
“Còn hơn chị về rồi lại bôi tro trát trấu vào mặt cả nhà.”
“Thế thì trước tiên cứ đi học bình thường đi đã. Đang là mùa đông, cũng
không thấy rõ bụng đâu. Đợi qua Tết rồi tính tiếp. Chị đừng bỏ đi, nếu
không cả nhà đều không yên lòng.”
“Làm sao mà giấu được mãi.” Chị nhìn tôi với ánh mắt hoang mang, lại
có vẻ sợ hãi, lo lắng khi tôi đề cập tới vấn đề này.
“Vậy thì giấu được đến bao giờ thì giấu.” Tôi mạnh miệng.
Sau đó, chúng tôi rì rầm trò chuyện đến tận trưa muộn. Tôi dặn dò chị
không được lo lắng, phải ăn nhiều, ngủ nhiều cho đứa bé khỏe mạnh. Tôi
nói gì chị cũng chỉ hoặc gật hoặc lắc, thỉnh thoảng lại đưa tay lên lau nước
mắt, nhưng chị cũng không khóc to thành tiếng. Tôi thương chị, nhưng
cũng không biết phải làm như thế nào để giúp chị vượt qua tất cả những
chuyện này. Tôi không dám tưởng tượng ra đến lúc mẹ và ngoại biết chị
gây ra lỗi lớn tày trời này sẽ đối xử với chị như thế nào, nhưng vẫn còn hơn
là chị bỏ xứ mà đi.
Ngồi thêm một lúc thì Quang Anh lại quay vào, nhắc chị em tôi đi ăn.
Chị dẫn chúng tôi ra quán cơm chị thường ăn. Chúng tôi gọi mỗi người một
đĩa cơm. Chị vẫn chỉ chọn rau dưa với lạc rang và hai miếng đậu phụ sốt,
tôi nhìn mà xót lòng. Ở quê, nhà tôi tuy nghèo nhưng gần sông, lúc nào
cũng sẵn cá kho, tôm rang để ăn, họa hoằn lắm mấy ngày mưa bão mới
phải ăn cơm với đậu phụ, cá khô. Chị ăn uống kham khổ như thế này thì
làm sao có đủ sức mà mang thai chứ? Quang Anh thấy hai chị em tôi chọn
đồ ăn rất rón rén cũng không nói gì, nhưng đến lúc chúng tôi ra bàn ngồi
ăn, người ta lại mang lên thêm cho một đĩa trứng rán, một đĩa thịt rang và
một đĩa rau xào. Tôi biết sau hôm nay, mình sẽ phải mang ơn, mang nợ với