Anh thường hít hà hương bưởi trên tóc tôi, sau đó cười mà nói rằng: “Thơm
quá!”
Nghĩ đến Quang Anh, lòng tôi lại nhộn nhạo. Tôi nghe bên tai tiếng chị
Vân:
“Hay là chị bỏ đứa bé?”
Tôi quay sang nhìn chị, sững sờ. Người quyết tâm bảo vệ đứa trẻ đến
cùng như chị sao tự nhiên lại có suy nghĩ điên rồ ấy? Tôi gạt phắt đi:
“Chị mà bỏ, em vẫn sẽ mách mẹ!”
Thế là chị lại im lặng. Tôi biết, chị nghĩ như thế cũng là vì không muốn
làm mẹ, làm ngoại phải khó xử với người đời. Có lẽ chị nghĩ, có một đứa
cháu, đứa con chửa hoang như chị, chắc ngoại và mẹ sẽ phải xấu hổ và
nhục nhã lắm. Tôi chỉ đoán thế, nhưng dù thế nào tôi cũng không đồng ý
chuyện chị định bỏ đứa trẻ này.
“Vậy còn em với Quang Anh?”
“Chẳng sao cả đâu.” Tôi đáp một cách bất cần, dù sao thì cũng chỉ có tôi
biết mình có sao hay không những ngày qua mà thôi.
“Vì chị mà hai đứa như thế này, chị thấy áy náy lắm.”
“Thế thì cố mà sống cho tốt, để đứa bé được nhìn thấy thế giới này. Sau
này nó lớn, em sẽ phát mấy cái vào mông nó và bảo: “Này, dì đã đánh đổi
một người con trai rất tốt để có được cháu đấy. Liệu hồn mà lớn cho nhanh
để báo hiếu dì.”
Thế là chúng tôi cùng cười. Còn hai tuần nữa là Tết, hết tuần sau chị
được nghỉ, chị định sẽ ra ngoài quán ở với dì để học may vá. Quán của dì
Mừng cuối năm đông khách lắm, nghe nói gần đây còn có một người đàn
ông thường hay ghé quán dì chơi, nghe nói là muốn cưới dì về làm vợ. Chú
này mới đi Nga về, cũng có gia đình bên ấy nhưng sau bà vợ bỏ đi lấy
chồng người Nga để được nhập quốc tịch nước ngoài. Còn chú, sau thời
gian dài làm ăn nơi xứ người mà vẫn trắng tay, chú quyết định về quê làm
lại từ đầu. Tôi chỉ nghe ngoại với bà Hưng và bà Liễu nói chuyện như thế,
còn mặt mũi chú kia ngang dọc thế nào tôi cũng chưa từng được biết, dù