nó biết gọi ”bà”, gọi ”tụ” (cụ) trước cả gọi mẹ. Ngoại tôi giờ đã già lắm,
chẳng còn sức để mà chì chiết, mắng mỏ con cháu nữa nữa. Mắt ngoại đã
đục mờ, cả ngày ngoại chỉ ngồi trên chiếc chõng tre nhai trầu và nhìn ra
vườn. Ngoại cũng hay cười hơn, và thỉnh thoảng ôm ấp và mắng yêu thằng
Mướp khi nó nô nghịch:
- Tổ cha bây... Nghịch gì nghịch như quỷ!
Những ngày đầu chị mới sinh thằng Mướp, đêm nào nó quấy khóc khiến
mẹ tôi cũng cáu gắt um sùm, bảo chị tôi dỗ con đi cho hàng xóm còn ngủ.
Chị tôi ôm con trong buồng, vừa hát ru vừa quẹt nước mắt, có đêm bế nó
đến cứng cả tay, gần sáng cũng không chịu ngủ. Mẹ thương, lại trở dậy ôm
cháu cho chị tôi chợp mắt. Chị tôi đi làm rồi, những ngày nông nhàn, mẹ
hay dắt thằng Mướp đi chơi. Bà lúc nào cũng tỏ ra hãnh diện vì cu cậu rất
thông minh, có cái gì nó cũng sẽ khoe: “Bà ngoại mua cho Mướp”
Hàng xóm ai cũng khen nó nhanh nhẹn và ngoan ngoãn.
Dì Mừng và chú Bình về ở với nhau vào một ngày đầu tháng tám trời
nắng chang chang. Nói là về ở với nhau, vì chú dì không tổ chức đám cưới
linh đình gì cả, chỉ làm mấy mâm cơm cúng ông bà và mời hàng xóm sang
chia vui mà thôi. Sau ngày cưới, hàng ngày dì ở nhà máy may, còn chú thì
vào làng tiếp tục với cái dự án lập trang trại trồng cây, thả cá ở bên kia
sông. Đến tháng mười năm sau, khi tôi vừa đi học được ba tháng thì dì sinh
em bé. Đứa em gái bé bỏng của chúng tôi được đặt tên là Thanh Nguyệt -
một cái tên rất đẹp.
Còn tôi, rốt cuộc tôi cũng được vào học ở ngôi trường mình hằng mơ
ước: Đại học Y Hà Nội. Chuyện đi học của tôi cũng là một câu chuyện rất
dài.
Vào năm lớp 12, tôi bắt đầu bò ra mà học, học ngày học đêm, học đến
mờ cả mắt. Tôi biết, mục tiêu mình đặt ra cách mình còn xa lắm, vì điểm
chuẩn vào Đại học Y rất cao, nếu không cố gắng hết sức, sẽ chẳng bao giờ
tôi bước nổi chân vào ngôi trường ấy.
Những cuốn vở ôn Hóa, ôn Toán Quang Anh để lại cho tôi trở nên vô
cùng hữu ích, bởi cái tôi cần là kiến thức căn bản. Có những bài anh làm