rồi, còn khoanh một dòng mực đỏ, rồi viết vào đấy những lời giải thích tại
sao lại thế này, tại sao lại thế kia, giống như sợ tôi không hiểu. Tôi biết, vì
tôi anh đã bỏ rất nhiều sức vào đấy. Rồi có những trang vở, anh để lại một
dòng chữ động viên đỏ choét, kiểu như: “Cố lên cô gái của anh!”, hoặc:
“Anh biết em sẽ làm được, đừng nản chí!”. Có lần, mở tới một cuốn vở, tôi
thấy có một dòng viết thế này: “Tối nay, tôi đã gặp được cô gái tôi sẽ lấy
làm vợ.” Bên dưới dòng chữ ấy còn ghi rõ cả ngày tháng, chính là ngày
chúng tôi gặp nhau lần đầu. Thế là tôi lại nhớ anh, lại đau lòng, lại khóc.
Tôi biết, câu nói ấy là anh phỏng theo một câu nói trong cuốn tiểu thuyết
“Kế hoạch hoàn hảo” của Sidney Sheldon, cuốn tiểu thuyết ấy Quang Anh
từng cho tôi mượn, thậm chí còn khoanh tròn câu ấy, nhưng hồi đó tôi
không để ý lắm.
Những câu khuyến khích của Quang Anh không khác gì thuốc trợ lực
dành cho tôi, khiến cho tôi chẳng có lý do gì để nản chí nữa.
Cuối năm lớp 12, điều khó khăn nhất với tôi là hoàn cảnh gia đình tôi
không cho phép tôi được đi học ở thủ đô, với mức học phí còn cao hơn cả
chi phí ăn của gia đình trong cả một năm được. Mẹ thì lấn cấn chuyện của
chị nên cũng không thích tôi đi học xa nhà nữa, mẹ bảo thành phố nguy
hiểm lắm, không phù hợp với những đứa con gái quê chân phương như chị
em tôi, thôi thì ở nhà đi làm công nhân vài năm, rồi kiếm lấy một tấm
chồng gần là được. Cuộc sống ở quê có thấp một chút, nhưng yên bình, có
thể tự cung tự cấp, mà sắp tới ở quê cũng mở thêm mấy nhà máy nữa,
không lo không có việc làm. Điều mẹ sợ nhất đó là tôi ra thành phố rồi sẽ
lại bị sa ngã như chị. Tôi giận mẹ mấy ngày, thậm chí sách vở cũng chẳng
muốn đoái hoài đến nữa, trong đầu chỉ lo lắng, nếu không được đi học, liệu
tôi có cơ hội để chờ được đến ngày Quang Anh trở về?
Vài bữa sau, hôm ấy dì với mẹ đi đâu đó cả ngày, đến tối mẹ về, trong
bữa cơm mẹ bảo tôi:
“Hôm nay tao đi xem bói ở huyện bên với dì, ông thầy bảo mày cao số
lắm, số phải xa nhà, xa quê mới lập nghiệp được. Ông ấy còn bảo nếu mà