trứng, bỏ vào trong cái làn nhựa rồi để mẹ đèo lên huyện bắt xe đi thị xã mà
thôi.
Cái Tết năm tôi sáu tuổi chỉ có dì về một mình, trước ánh mắt nghi ngờ
của ngoại, dì nói chú bận buôn bán nên không về được. Ngoại nghi ngại
nhìn cái bụng phẳng lì của dì, sau đó cũng chẳng nói gì, lại đội nón ra vườn
nhổ cỏ. Sau đó bốn tháng thì dì về hẳn.
Ngày dì về, tài sản vẫn y như lúc dì ra đi, chỉ có vài bộ quần áo ngày
trước mẹ cho, thêm một cái máy may đã cũ mà thôi. Bữa cơm tối hôm ấy,
trước khi buông đôi đũa, ngoại chỉ nói một câu: “Ngày ấy tao đã nói mà
không đứa nào nghe tao. ”Cá không ăn muối cá ươn. Con cãi cha mẹ trăm
đường con hư”, mặt tao cũng đầy tro đầy trấu lúc con Vui về rồi, giờ tới
lượt mày, tao cũng chẳng có gì phải xấu hổ thêm nữa cả. Chúng mày học
cao hiểu rộng, khinh tao bà già nhà quê, không biết chữ, không có học, đứa
nào cũng đũa mốc muốn chòi mâm son. Giờ thì chúng mày sáng mắt ra
chưa?”
Mẹ lẳng lặng và cơm, dì cúi gằm mặt không nói, tôi liếc nhanh sang, chỉ
thấy một giọt nước mắt rơi nhanh xuống bát cơm trong tay dì. Ngoại đặt
đôi đũa cái “cạch” xuống mâm khiến tôi giật nảy người, lại vội vàng cúi
xuống bát cơm của mình mà và lấy và để vào miệng khiến cho mấy hạt
cơm rơi cả ra ngoài. Tôi vội vàng nhặt lại vào bát, len lén nhìn mẹ vì lần
nào tôi làm vãi cơm mẹ cũng mắng và bắt tôi nhặt lại. Nhưng lần này mẹ
không nói gì. Ngoại đứng dậy và bước vào trong buồng, cùng với những
tiếng lục cục như tiếng mở hòm xiểng là tiếng ngoại vọng ra: “Tao già rồi
tao chết, lúc ấy chắc đời tao mới hết khổ.”
Những ngày sau, căn nhà của chúng tôi chìm trong sự im lặng đáng sợ
của từng người. Ngoại cả ngày chỉ loanh quanh ở ngoài vườn, hết cuốc đất
lại tới trồng rau, nhổ cỏ, chẳng lúc nào ngơi tay. Mẹ vẫn ra đồng, lúc rảnh
rỗi thì ngồi đan mấy cái rổ, cái rá, vá mấy cái vó. Còn dì cũng chẳng đi đâu,
chỉ loanh quanh từ trong nhà ra ngoài sân, lúc có người đến chơi lại chạy
tọt vào buồng. Bữa cơm là lúc gia đình sum họp, nhưng ở nhà tôi thì bữa
cơm lúc nào cũng là thời gian căng thẳng nhất. Nếu ngoại không nói gì thì