“Tao sắp chết đến nơi rồi, xây nhà làm gì. Con Vui, con Mừng rồi cũng
già, cũng chết. Con Vân, con Tâm rồi không lấy chồng thì cũng già, cũng
chết ở đây, đến lúc ấy còn ai ở nữa mà xây nhà mới làm gì?”
Lời ngoại đầy ý vị chua chát lẫn đắng cay khiến cậu không khỏi lén đưa
mắt nhìn mẹ tôi lúc ấy đang loay hoay sàng gạo ngoài sân. Rồi cậu lại nói:
“Sợ bà chưa đi thì cái nhà này nó cũng bay rồi. Con tính là nó không
chịu nổi qua mùa bão năm nay đâu bà ạ!”
“Năm nào mày cũng nói nó không chịu được qua mùa bão , nhưng tao đã
thấy nó lung lay cái cột nhà nào đâu.”
Ngoại nói rồi lại đội nón, không quên bảo tôi:
“Con Tâm đi hái cho bà nắm lá thèn đen đi. Sáng nay dì mày đi hôi ở
bên ao nhà bà Hỷ được con cá rói ngon quá, tao phải kho ngay kẻo nó ươn
ra.”
Tôi đang ngồi cắn bút ở trên chõng tre, nghe ngoại sai vậy là tôi lập tức
nhảy xuống đất, xỏ dép rồi chạy biến đi. Tôi lười học lắm nên chỉ mong
nghe được những câu sai bảo như thế để có lý do chạy đi chơi.
Dì tôi về nhà cũng đã được ba năm. Năm đầu tiên dì còn loanh quanh ở
nhà, ít khi ra ngoài, nhưng dần dần rồi dì cũng cất đi nỗi buồn trong lòng và
sống cởi mở hơn với những người thân trong gia đình. Dì tự thiết kế cho
mình một cái bàn nhỏ trong buồng để đặt máy khâu, những lúc rỗi việc
đồng áng, dì thường nhận may vá quần áo cho bà con trong làng, đôi khi họ
mang vải tới để nhờ dì may quần áo cho nữa. Tiền công dì nhận được cũng
chỉ là một hai bơ gạo mà thôi. Dì may rất khéo tay, tiền công lại rẻ nên
nhiều người tìm đến dì. Một thời gian sau thì ngoại bảo chị Vân chuyển
sang buồng bên này học với tôi để dì có chỗ may rộng rãi hơn. Dần dần,
trên sợi dây thép chăng ngang trên tường trong phòng dì cũng có thêm vài
mảnh vải quần thô, vài mảnh vải áo hoa để tiện cho những cô, bác muốn
may quần áo mới nhưng không có thời gian lên chợ huyện mua vải. Cũng
có vài người trong làng tới đánh tiếng, muốn làm mối cho dì với người bà
con của họ, vốn là những người đã góa vợ hoặc những người cũng qua một,
thậm chí vài cuộc hôn nhân. Nhưng dì như chim đậu cành cong, lại thêm