Tôi lí nhí vội chào ông, sau đó ngồi sà xuống cạnh mẹ, không dám ngẩng
đầu nhìn ông dù chỉ một lần.
“Cái Tâm này giống mẹ hơn.” Ông ngoại lại nói.
“Kìa con, lên chơi với ông để mẹ gói bánh cho nhanh, tối rồi.” Thấy tôi
cứ sán lại, mẹ vội vàng xua đi.
Tất nhiên là tôi rất ngại, không dám lên chơi với ông rồi, vì thế tôi chạy
vào bếp, định bụng sẽ nướng khoai lang ăn. Ngoại đang đun bếp, thấy tôi
vào cũng lại đuổi ra:
“Đi ra ngoài chơi đi, vào đây lại dính đầy bụi bẩn bây giờ.”
“Ngoại để cháu nấu cơm cho.” Tôi lục trong cái sảo ở góc bếp được mấy
củ khoai tây còn lành lặn, vội vàng sà xuống đề nghị.
“Bà đang luộc con gà. Nồi cơm sôi rồi, tránh ra để bà gạn nước cơm
không bỏng.”
Tôi lại lấy cớ:
“Cho cháu uống nước cơm nhé!”
Tôi còn nhớ ngày tôi còn học mẫu giáo, mỗi lần nghe thấy tiếng rao của
hàng kem mút ngoài đường là tôi lại khóc lóc ăn vạ, đòi mẹ mua cho bằng
được một cái kem hai trăm đồng để ăn. Tất nhiên, sáu lần tôi ăn vạ thì năm
lần ăn đòn, còn một lần mẹ thương quá sẽ mua cho mỗi chị em một cái
kem. Sau đó mẹ khuyến khích hai chị em tích giấy vụn hoặc những mảnh
sắt vụn, những đồ nhựa, chai thủy tinh lại, có hàng kem mút đi qua sẽ đem
ra đổi lấy kem mang về. Ngày ấy, nếu đổi một chai thủy tinh bảy lăm mililít
sẽ được hai que kem, đổi lông một con vịt hoặc ngan sẽ được ba tới bốn
que kem, còn giấy vụn hay sắt vụn thì phải tùy theo cân nặng. Nhà tôi
không bao giờ thịt vịt hay ngan nên tất nhiên sẽ không có lông để đổi kem,
chai thủy tinh thì ngoại tận dụng tất để làm tương bần hay đựng mắm cáy,
nên cuối cùng chúng tôi chỉ có thể nhặt nhạnh những mảnh sắt vụn để có
thể tự thỏa mãn cơn thèm của mình. Về sau, một lần tôi đi học về, đói bụng
quá mà mẹ mới đang nấu cơm, mẹ đã gạn nước cơm ra bát, sau đó hòa
đường vào và cho tôi uống. Tôi chợt phát hiện ra, mùi vị của que kem hai